Giới chức y tế Malaysia cho biết, làn sóng lây nhiễm hiện nay bắt đầu từ tháng 9/2020 và số ca mắc mới trong ngày có thể tăng lên mức 8.000 ca/ngày vào tháng 5/2021 nếu không có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Trong bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình, ông Muhyiddin cảnh báo hệ thống y tế quốc gia đang đứng trước nguy cơ quá tải. Số ca mắc mới mỗi ngày lần đầu tiên vượt mức 3.000 vào tuần trước và tổng số ca mắc bệnh tại Malaysia tính đến ngày 11/1 đã vượt mức 138.000 ca, trong đó có 555 ca tử vong.
Biện pháp phong tỏa tại thủ đô Kuala Lumpur và 5 bang khác sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 13/1, theo đó mọi hoạt động xã hội và đi lại trên cả nước sẽ bị cấm. Các cơ sở kinh doanh trong 5 lĩnh vực kinh tế thiết yếu vẫn có thể hoạt động nhưng phải giảm công suất, bao gồm các nhà máy và cơ sở sản xuất, xây dựng, dịch vụ, thương mại, phân phối và trồng trọt và lĩnh vực tiêu dùng. Các siêu thị, ngân hàng và cơ sở chăm sóc y tế vẫn mở cửa trong khi các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đồ mang đi.
Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, Malaysia dự định tiêm chủng cho khoảng 70% dân số (khoảng 32 triệu người). Theo kế hoạch, lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech, mới được giới chức nước này cấp phép, sẽ được bàn giao vào cuối tháng 2 tới. Trong ngày 11/1, Malaysia thông báo mua thêm 12,2 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, bên cạnh 12,8 triệu liều đã đặt mua trước đó. Malaysia cũng đã đặt hàng với AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng và đang đàm phán với các hãng dược của Nga và Trung Quốc để đặt thêm vaccine.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 11/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đã yêu cầu các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có các bệnh nhân không có triệu chứng, tự cách ly ở nhà do bệnh viện đã kín chỗ.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Phủ tổng thống ở Jakarta, Bộ trưởng Budi cho biết số ca mắc bệnh đang gia tăng tại Indonesia sau kỳ nghỉ lễ cuối năm và các bệnh viện sẽ không đủ chỗ để tiếp nhận điều trị tất cả các bệnh nhân. Vì vậy, ông Budi lưu ý những bệnh nhân không bị sốt và khó thở nên tự cách ly tại nhà riêng hay phòng riêng. Tuy nhiên, chính phủ sẽ thiết lập các địa điểm cách ly mới cho bệnh nhân COVID-19, yêu cầu chính quyền địa phương chuẩn bị các nhà khách, nhà nghỉ hành hương hoặc khách sạn để tiếp nhận các trường hợp không triệu chứng.
Bộ trưởng Budi đảm bảo các bệnh nhân nhẹ tự cách ly tại nhà sẽ vẫn được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế đồng thời cam kết thiết lập một cơ chế mới để các bệnh nhân tự cách ly được các bác sĩ theo dõi điều trị trực tiếp hoặc qua dịch vụ y tế từ xa.
Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết hiện quốc gia này chỉ có 15.000 giường bệnh tại các các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và các phòng cách ly, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết là 36.000 giường (tương đương 30% tổng số 120.000 ca bệnh vẫn còn dương tính với virus tính đến ngày 10/1).
Cho rằng nhiều bệnh viện vẫn chỉ cung cấp một phần nhỏ chỗ điều trị nội trú cho các bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Budi đã yêu cầu ban giám đốc cũng như chủ sở hữu các cơ sở này tăng cường chuyển đổi các giường bệnh thông thường thành các giường bệnh chữa trị COVID-19.