Chia sẻ trên tài khoản Facebook và Twitter cá nhân, ông Noor Hisham Abdullah cho biết trong phiên họp lần thứ 352 của Cơ quan kiểm soát ma túy Malaysia ngày 8/1, việc đăng ký đã được thông qua, điều này có nghĩa vaccine của Pfizer có thể được sử dụng tại quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh Pfizer vẫn cần phải cung cấp một số dữ liệu quan trọng trong thời gian quy định trước khi được phép sử dụng.
Hiện Malaysia đã ký các thỏa thuận mua 12,8 triệu liều vaccine phòng chống COVID-19 với Pfizer và BioNTech. Ngoài ra, quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ nhận 6,4 triệu liều khác từ AstraZeneca cùng một số nhà cung cấp vaccine COVID-19 khác.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Malaysia đang có xu hướng diễn biến xấu khi số ca nhiễm bệnh mới luôn ở mức 4 con số mỗi ngày trong suốt một tháng vừa qua. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.643 trường hợp nhiễm mới và 16 người tử vong. Đáng chú ý, cơ quan y tế bang Sarawak đã phát hiện 2 ca nhiễm bệnh ít tuổi nhất tại bang này gồm một trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi và một trẻ 1 năm tuổi.
Tính đến ngày 8/1, Malaysia đã phát hiện tổng cộng 131.108 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 105.431 người đã khỏi (80,4%) và 537 người tử vong (0,4%).
* Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn ngày 8/1 đã kêu gọi ngành dược phẩm của nước này chung tay sản xuất vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung vaccine khan hiếm dẫn tới chiến dịch tiêm chủng chậm chạp hiện nay.
Ông Spahn đã kêu gọi nhanh chóng mở rộng khả năng sản xuất vaccine do tình hình dịch bệnh căng thẳng khi số người nhiễm bệnh và số ca tử vong hằng ngày đang ở mức rất cao. Trong bức thư gửi Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm (BAH), Hiệp hội Ngành Dược phẩm (BPI) và nhiều hiệp hội khác, Bộ Y tế Đức đề nghị các hiệp hội thông báo những công ty có khả năng tham gia sản xuất để tăng sản lượng vaccine phòng COVID-19.
Bức thư cũng đề nghị các hiệp hội "nhanh chóng hồi hâm" bởi điều quan trọng hiện nay là cần phải sớm hành động. Tuy nhiên, các hiệp hội hầu như còn thận trọng với lời đề nghị trên, bởi việc nhanh chóng chuyển đổi sản xuất các chế phẩm cần thiết cho vaccine là điều khó có thể nhanh chóng thực hiện mà đòi hỏi phải mất nhiều tuần để chuẩn bị. Trước đó, nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) BioNTech, ông Ugur Sahin cho rằng nguồn cung vaccine không được dồi dào và BioNTech/Pfizer đang nghiên cứu khả năng đẩy mạnh năng lực sản xuất, tìm kiếm các đối tác có thể sản xuất vaccine, song cho rằng không có nhiều công ty có năng lực sản xuất vaccine đạt chất lượng theo yêu cầu.
Cùng ngày, giới chức y tế Berlin thông báo lần đầu tiên phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (xuất hiện ở Anh) tại thủ đô của Đức. Bệnh nhân trước đó trở về từ Anh và một số trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân này hiện đang phục hồi. Trước đó cũng đã phát hiện một số trường hợp ở Đức nhiễm virus đột biến có nguy cơ lây nhiễm rất cao này.
Cũng tại Berlin, trước sự phản đối của các giáo viên, học sinh và phụ huynh, chính quyền Berlin đã phải hoãn quyết định cho học sinh trung học tới trường từ đầu tuần tới (11/1) và một tuần sau đó sẽ là học sinh tiểu học. Những ý kiến phản đối mở cửa lại trường học cảnh báo chính quyền không nên mạo hiểm với sức khỏe của các giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, đặc biệt trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong đang ở mức cao tại Berlin (khoảng 1.500 ca nhiễm mới mới/ngày; tổng số 105.000 ca nhiễm và 1.547 ca tử vong kể từ đầu dịch). Như vậy, cho tới ít nhất ngày 25/1 tới, học sinh ở Berlin sẽ tiếp tục học ở nhà theo hình thức trực tuyến.
Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận có thêm gần 26.400 ca nhiễm mới và 1.104 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 1,88 triệu ca và 39.543 ca tử vong. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp có số ca tử vong vượt quá 1.000 người.