Malaysia phát hiện hai ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của SARS-CoV-2

Theo trang tin The Star, Bộ Y tế Malaysia cho biết đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là các du học sinh Malaysia trở về từ Anh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố ngày 6/11, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết 2 ca bệnh trên trở về từ Anh vào ngày 2/10 vừa qua và được cách ly ngay sau khi đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Xét nghiệm RT-PCR lần đầu của 2 trường hợp trên cho kết quả âm tính, nhưng sau lần xét nghiệm thứ 2 khi đang trong quá trình cách ly thì có kết quả dương tính vào ngày 7/10. Viện Sinh học phân tử y tế thuộc trường đại học Universiti Kebangsaan Malaysia đã giải trình tự gene mẫu thử và phát hiện họ nhiễm biến thể AY.4.2.

Ông Abdullah cho biết vaccine ngừa COVID-19 đang được sử dụng hiện nay vẫn có hiệu quả trước biến thể AY.4.2, và các biện pháp phòng dịch như cách ly, xét nghiệm... có thể giúp giảm nguy cơ lây lan biến thể này tại Malaysia, đặc biệt là tại các cửa ngõ quốc tế của nước này. Theo ông, Bộ Y tế Malaysia sẽ theo dõi chặt chẽ biến thể này trong cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến thể AY.4.2 nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Hiện biến thể phụ này đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh. Tính đến cuối tháng 10, biến thể này chiếm 10% số mẫu thử được giải trình tự gene tại Anh. So với biến thể Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người.

Trần Quyên (TTXVN)
Malaysia nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất vaccine
Malaysia nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất vaccine

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 1/11 đã giới thiệu Lộ trình Phát triển vaccine quốc gia (PPVN) và đổi tên Viện Nghiên cứu gene Malaysia thành Viện Nghiên cứu gene và vaccine Malaysia (MGVI), nhằm đưa nước này trở thành trung tâm vaccine cũng như tăng cường niềm tin của người dân đối với việc sử dụng vaccine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN