Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Radzi Jidin cho biết động thái trên phù hợp với thông tư gần đây của Bộ Dịch vụ công (PSD) về việc bắt buộc tiêm chủng đối với tất cả công chức trước ngày 1/11. Theo Bộ trưởng Jidin, lo ngại hiện nay là những giáo viên từ chối tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến hoạt động của trường học, do vậy, cần có biện pháp để không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp và học sinh đã hoàn thành tiêm chủng, cũng như không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn. Trước mắt, những giáo viên từ chối tiêm vaccine sẽ không được giảng dạy trực tiếp.
Theo Bộ trưởng Radzi, đến thời điểm hiện tại, Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho lứa tuổi từ 12-17 tại Malaysia đang diễn ra hiệu quả và có ít nhất 80% thanh thiếu niên đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, đồng thời nhiều bang đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng 90% dân số.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này sẽ dành nhiều nguồn lực và nỗ lực hơn nhằm cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết cho những học sinh cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần, đặc biệt là thông qua việc sử dụng công nghệ số. Theo ông, đại dịch COVID-19 và việc đóng cửa trường học trong một thời gian dài đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của học sinh. Ông cũng kêu gọi phân phối công bằng vaccine COVID-19 cho trẻ em để đảm bảo cho việc các em học tập an toàn tại trường học.
Tại Lào, nhà chức trách một số tỉnh đã chỉ thị tiếp tục phong tỏa và cấm đi lại nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng. Tại tỉnh miền Trung Khammuan, lệnh phong tỏa có hiệu lực đến ngày 8/11, theo đó người vào tỉnh này phải được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh, đã tiêm vaccine đầy đủ và có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Người dân tỉnh này muốn ra khỏi tỉnh cũng phải được phép của chính quyền địa phương.
Tại tỉnh Bokeo miền Bắc, việc đi lại giữa các tỉnh bị cấm đến ngày 8/11. Các khu chợ tại các vùng có nguy cơ cao tạm thời phải đóng cửa, hoạt động bán hàng rong trên phố phải tạm ngừng. Tuy nhiên, việc giao đồ ăn được tiếp tục với các thực phẩm từ các nhà hàng thuộc vùng xanh và phải thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
Tại tỉnh Bolikhamxay, chính quyền đã ra lệnh phong tỏa đến ngày 2/11 và đang tăng cường các chốt kiểm tra trên phố. Người dân vi phạm quy định có thể bị truy tố trước pháp luật.
Tại tỉnh Viêng Chăn, lệnh phong tỏa có hiệu lực đến ngày 7/11 và việc đi lại trong tỉnh bị cấm hoàn toàn. Người từ bên ngoài vào tỉnh này phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Lào tiếp tục tăng cao và lan rộng ra nhiều tỉnh thành. Ngày 27/10, nước này ghi nhận 733 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 37.751. Đáng lưu ý, 99% số ca nhiễm mới là lây nhiễm trong cộng đồng.