Trước đó, Malaysia đã tạm đình chỉ hai loại vaccine này để đánh giá mức độ an toàn sau khi Hàn Quốc ghi nhận 5 trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng cúm.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết, sau khi nghiên cứu thông tin từ Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), các báo cáo và thông tin an toàn từ các cơ quan quốc tế, Cơ quan Quản lý Dược Quốc gia Malaysia đã nắm rõ tác dụng của hai loại vaccine nói trên. Theo đó, KDCA xác nhận các biến chứng gây tử vong liên quan đến hai loại vaccine phòng cúm này có tỷ lệ "rất thấp". Ngoài ra, KDCA cũng khẳng định đến nay, "không có nhãn hiệu, nhà sản xuất hay lô vaccine nào có liên quan đến các ca tử vong".
Bộ trưởng Abdullah cho biết tính đến tháng 10, Malaysia đã nhập khẩu 1,5 triệu liều vaccine của Hàn Quốc và chưa có ca tử vong nào liên quan đến việc tiêm phòng vaccine cúm ở nước này.
Ngày 26/10, giới chức y tế Hàn Quốc quyết định tiếp tục triển khai chương trình tiêm vaccine phòng cúm mở rộng trên cả nước, do các ca tử vong sau khi tiêm vaccine phòng cúm hầu như không liên quan đến các loại vaccine này.
Chương trình vaccine nói trên là một phần trong các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, gồm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và bệnh cúm trong mùa Đông.