Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết sự việc dấy lên quan ngại về an toàn vaccine tại Hàn Quốc. Giới chức địa phương nhận định rằng không có liên quan giữa việc tiêm vaccine và những cái chết nói trên tuy nhiên một cuộc điều tra vẫn được tiến hành, bao gồm cả khám nghiệm tử thi.
Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip trong cuộc họp báo ngày 21/10 về vụ việc cho biết: “Thật khó để chúng tôi đưa ra phát biểu phân minh”.
Trường hợp tử vong của 5 người sau khi tiêm vaccine, bao gồm một thiếu niên 17 tuổi và một cụ ông trong độ tuổi 70, đã trở thành nội dung được đăng tải nhiều trên truyền thông Hàn Quốc.
Thiếu niên 17 tuổi qua đời ngày 16/10, hai ngày sau khi tiêm vaccine phòng cúm tại Incheon, gần thủ đô Seoul. Ông cụ trong độ tuổi 70 vốn mắc bệnh Parkinson và rối loạn nhịp tim qua đời tại Daegu ngày 21/10, một ngày sau khi tiêm vaccine phòng cúm.
Trong tháng 9, Hàn Quốc công bố kế hoạch tăng 20% vaccine phòng cúm trong mùa Đông năm nay so với năm trước để tiêm cho 30 triệu người nhằm ngăn ngừa tình trạng hệ thống y tế quá tải bởi bệnh nhân cúm và COVID-19.
Tuy nhiên, chương trình này đã bị tạm ngưng trong 3 tuần bởi phát hiện 5 triệu liều vaccine trong quá trình vận chuyển tới cơ sở y tế đã tiếp xúc trong nhiệt độ phòng thay vì bảo quản lạnh.
Giới chức Hàn Quốc cho biết 8,3 triệu người dân nước này đã được tiêm vaccine phòng cúm miễn phí kể từ khi chương trình nối lại vào 13/10 và có 350 trường hợp thông báo phản ứng phụ.
Các nhà sản xuất vaccine phòng cúm cho Hàn Quốc bao gồm LG Chem, Boryung Biopharma. Một đại diện của Boryung xác nhận với Reuters rằng đã nhận được thông tin về những trường hợp tử vong. LG Chem trong khi đó khẳng định công ty sẽ làm theo chỉ đạo của chính phủ Hàn Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin rằng số người chết nhiều nhất liên quan đến vaccine phòng cúm mùa là 6 trường hợp vào năm 2005.
Trong cuộc khảo sát vào đầu tháng này tại tỉnh Gyeonggi, có 62% trong tổng số 2.548 người được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vaccine phòng COVID-19, ngay cả khi vaccine này được cấp phép.