Lý do Mỹ quay ngoắt thái độ, đe dọa tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc

Giới chức Mỹ bắt đầu thất vọng khi Trung Quốc tìm cách rút lại với các cam kết trước đó về một thỏa thuận thương mại.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải, đầu tiên) gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình (trái, đầu tiên) tại Hội nghị cấp cao G-20 tháng 12/2018 ở Buenos Aires. Ảnh: Reuters

Các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến gần tới một thỏa thuận, nhưng Bắc Kinh đã muốn đảo ngược tiến trình này trong những ngày vừa qua.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 6/5 giải thích Trung Quốc tìm cách đi ngược với các cam kết trước đó về một thỏa thuận thương mại. “Trong tuần qua, chúng tôi chứng kiến có sự xói mòn trong các cam kết của Trung Quốc. Trung Quốc đang tìm cách rút lại các cam kết mà họ đã đưa ra. Theo quan điểm của chúng tôi thì chuyện này không thể chấp nhận được. Chúng tôi không có những cuộc đàm phán hiệu quả. Thứ Sáu tới, chính sách áp thuế sẽ có hiệu lực".

Quan điểm của Đại diện Thương mại Robert cũng được Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chia sẻ.

Bộ trưởng Mnuchin ám chỉ Bắc Kinh “đảo ngược những ngôn từ trước đó hai bên đã thỏa thuận”, điều có thể dẫn tới việc thay đổi một thỏa thuận thương mại tương lai một cách “đáng kể”.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán nói rằng sự thay đổi trong ngôn từ có liên quan đến mong muốn từ phía Trung Quốc muốn thay đổi chính sách thông qua các biện pháp hành chính thay vì thay đổi luật pháp. Theo nguồn tin này, không có sự thay đổi về luật pháp “thì sẽ rất khó để xác minh và buộc Trung Quốc phải tuân thủ thỏa thuận”.

Trước đó, vào ngày 5/5, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết "trong 10 tháng, Trung Quốc đã trả thuế 25% cho Mỹ đối với 50 tỷ USD hàng hóa lĩnh vực công nghệ cao và 10% cho 200 tỷ USD đối với các loại hàng hóa khác".

Tuy nhiên, ông cho biết sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5. Theo Tổng thống Trump, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn "tiếp diễn, nhưng quá chậm, khi họ (Trung Quốc) tìm cách đàm phán lại". Ông khẳng định sẽ không chấp nhận và đe dọa áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa bổ sung của Trung Quốc.

Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói với Fox News rằng dòng trạng thái của Tổng thống là một cảnh báo. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Tổng thống đưa ra một cảnh báo ở đây, rằng trước đó chúng tôi đã nhượng bộ, chúng tôi đã tạm ngưng đánh thuế 25% và duy trì mức thuế 10%. Điều này không thể cứ tiếp tục nếu các cuộc đàm phán không diễn ra”.

Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Trump đang tìm cách gây sức ép lên Bắc Kinh để cuối cùng ký kết một thỏa thuận thương mại đem lại lợi ích cao. Trong khi đó, một bộ phận khác coi lời đe dọa áp thuế của nhà lãnh đạo Mỹ là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán dài hơi với Trung Quốc đang bị phá vỡ.

Stapleton Roy, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc kiêm Giám đốc sáng lập của Viện Kissinger nhận định đây là một chiến thuật gây sức ép được đưa ra để tìm cách giành được kết quả phù hợp với những điều kiện Mỹ đang có.

Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích quyết định, cho rằng việc tăng thuế sẽ không giúp ích gì để giải quyết tranh chấp thương mại song phương.

Chính sách áp thuế mới sẽ chấm dứt tình trạng “đình chiến” kéo dài 5 tháng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đầu năm 2019, Tổng thống Trump quyết định tạm hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, với lý do tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước có tiến triển và cho rằng một lệnh tăng thuế có thể làm nguy hại tiến trình đàm phán.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Lộ ảnh đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc
Lộ ảnh đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc

Dựa trên hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia đánh giá Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ ba của quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN