Theo Africanews.com, các nhà lãnh đạo châu Phi đã đến St. Petersburg để dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai khai mạc vào ngày 27/7. Các quan chức Nga cho biết có 49 phái đoàn châu Phi và 17 nguyên thủ quốc gia đăng ký tham gia diễn đàn kinh tế và hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày trên.
Các vấn đề hàng đầu dự kiến được thảo luận là an ninh lương thực và tương lai của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở châu Phi. Với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chịu áp lực phải thể hiện cam kết của Moskva đối với châu Phi đang ngày càng quyết đoán trên trường thế giới.
Moskva cũng đang tìm kiếm thêm đồng minh và đối tác từ khu vực. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng có thể chứng kiến những nỗ lực mới của các nhà lãnh đạo châu Phi nhằm đứng ra làm trung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Ukraine.
Trong khi đó tờ Thời báo Moskva (The Moscow Times) có trụ sở ở Hà Lan đưa tin nhiều lãnh đạo của các quốc gia châu Phi đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này, với 38 trong số 55 quốc gia chọn không cử nguyên thủ quốc gia của họ.
Yury Ushakov, trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thông báo rằng hơn 10 quốc gia châu Phi sẽ cử Thủ tướng của họ và khoảng một nửa số người tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ được đại diện bởi các phái đoàn cấp thấp hơn.
Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch Ban Thư ký Diễn đàn Đối tác Nga - châu Phi Oleg Ozerov nói: "Điều này là bình thường bởi vì họ có thể có các sự kiện khác đã được lên kế hoạch trước cần có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia".
Trong thời gian diễn ra hội nghị, Tổng thống Nga có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp riêng với từng nhà lãnh đạo châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh. Ông Putin dự kiến sẽ tiếp xúc với các tổng thống từ Ai Cập, Mozambique, Burundi, Zimbabwe, Uganda, Eritrea, CH Trung Phi, Libya, Cameroon, Senegal, Nam Phi, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Mali và Congo.
Điện Kremlin đã thông báo rằng Tổng thống Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh, nói về một "trật tự thế giới mới" được thành lập dựa trên "sự đa cực và bình đẳng" giữa tất cả các quốc gia.