Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi lần thứ hai tại St. Petersburg bằng một bài phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia tại phiên họp toàn thể trong ngày 27/7 - trợ lý của nhà lãnh đạo Nga, Yury Ushakov nói với các phóng viên.
Ông Ushakov tiết lộ chỉ có 5 quốc gia châu Phi sẽ không cử đại diện tại hội nghị thượng đỉnh lần này, đồng thời lưu ý rằng tỷ lệ tham gia cao “xác nhận rằng châu Phi mong muốn tăng cường quan hệ với đất nước chúng tôi, bất kể hoàn cảnh nào”.
Trong số 49 chính phủ châu Phi, 17 nước sẽ được đại diện bởi chính các nguyên thủ quốc gia. Ông Ushakov cung cấp thêm thông tin rằng, 5 nhà lãnh đạo châu Phi sẽ cử đại diện là phó tổng thống, 4 người sẽ được đại diện bởi những người đứng đầu chính phủ và một người cử đại diện là người đứng đầu quốc hội.
17 quốc gia khác sẽ cử đại diện là các phó thủ tướng hoặc bộ trưởng ngoại giao và năm đại sứ.
Cũng theo ông Ushakov, Tổng thống Putin sẽ phát biểu trong phiên họp buổi sáng của 17 nguyên thủ quốc gia và dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến của Nga nhằm giúp châu Phi “phát triển có chủ quyền”, bao gồm tiếp cận lương thực, phân bón, công nghệ hiện đại và năng lượng.
“Tổng thống của chúng tôi sẽ đưa ra một tuyên bố quan trọng và đánh giá tình trạng hiện tại của hệ thống quan hệ quốc tế, bao gồm cả việc hình thành một trật tự thế giới mới, dựa trên nguyên tắc đa cực và bình đẳng của tất cả các quốc gia độc lập", ông Ushakov nói với các phóng viên.
Bữa sáng làm việc sau đó sẽ có sự tham gia của các đoàn cử đại diện cấp dưới. Ngoài các chính phủ riêng lẻ, phụ tá Tổng thống Ushakov chỉ ra rằng hội nghị thượng đỉnh Nga - Phi sẽ có sự tham dự “theo nghĩa đen của tất cả các nhà lãnh đạo” từ các tổ chức khu vực quan trọng trên lục địa, từ Liên minh châu Phi đến Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi.
Hội nghị lần này đê ra phương châm giống như hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên, được tổ chức tại Sochi vào năm 2019: 'Vì hòa bình, an ninh và phát triển', với ý tưởng chính là thúc đẩy hợp tác Nga-châu Phi và củng cố chủ quyền của các quốc gia châu Phi.
Một diễn đàn kinh tế và nhân đạo diễn ra song song sẽ kết nối các doanh nhân, phương tiện truyền thông, xã hội dân sự, nhà khoa học và chuyên gia Nga và châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau – từ nông nghiệp, khai thác mỏ và tài chính đến cơ sở hạ tầng, công nghệ và y học.
Tổng thống Putin dự kiến đến St. Petersburg trong ngày 26/7 để hội đàm song phương với thủ tướng Ethiopia và tổng thống Ai Cập, đồng thời gặp người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới BRICS Dilma Rousseff, cựu tổng thống Brazil.
Trước đó, ngày 25/7, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa Moskva với châu Phi luôn nổi bật bởi sự ổn định, tin cậy và thiện chí. Ông bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở St. Petersburg sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cam kết cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón cho châu Phi để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Ông nói: “Tôi muốn đảm bảo rằng đất nước chúng tôi có khả năng thay thế ngũ cốc Ukraine cả trên cơ sở thương mại và miễn phí, đặc biệt là khi chúng tôi mong đợi một vụ thu hoạch kỷ lục khác trong năm nay”.
Tuần trước, Điện Kremlin tuyên bố đình chỉ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn cho phép cả Moskva và Kiev tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine. Cùng ngày 25/7, ông Putin đã chỉ trích việc thực hiện thỏa thuận, khẳng định rằng nó đã “không phục vụ mục đích nhân đạo ban đầu”. Các quan chức Nga liên tục chỉ trích rằng các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Moskva không được dỡ bỏ, trái với các điều khoản của thỏa thuận.
Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc cung cấp lương thực liên tục đối với sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị của các quốc gia châu Phi” và đảm bảo rằng Điện Kremlin sẽ tiếp tục “nỗ lực mạnh mẽ” để cung cấp hàng hóa cho lục địa này bất chấp các lệnh trừng phạt. Tổng thống Nga cũng cam kết thúc đẩy một “chương trình hợp tác không phân biệt đối xử” với các quốc gia châu Phi, nhấn mạnh tiềm năng tăng cường quan hệ đối tác kinh tế trong các lĩnh vực bao gồm công nghệ, năng lượng, nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng.