Điện Kremlin cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi

Ngày 25/7, Điện Kremlin đã cáo buộc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tìm cách phá hoại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi diễn ra vào cuối tuần này thông qua việc gây sức ép buộc các nước châu Phi không tham gia.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ nhất ở Sochi ngày 24/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi sẽ diễn ra tại St. Petersburg vào ngày 27 và 28/7. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự và tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp chuyên sâu với từng nhà lãnh đạo châu Phi tập trung vào mọi thứ, từ thương mại đến an ninh, thỏa thuận vũ khí và cung cấp ngũ cốc.

Sự kiện này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi đầu tiên vào năm 2019 và là một phần trong nỗ lực phối hợp nhằm kinh doanh và tăng ảnh hưởng tại châu lục này.

Theo hãng thông tấn TASS, nhà ngoại giao Nga Alexander Polyakov cho biết hồi đầu tháng này rằng 49 phái đoàn châu Phi đã xác nhận tham gia sự kiện trên, trong đó khoảng một nửa số phái đoàn có người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.

Tuy nhiên, ngày 25/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phương Tây đang cố gắng hết sức để phá hỏng sự kiện này của Nga. Ông nói: “Hầu như tất cả các quốc gia châu Phi đã phải chịu áp lực chưa từng có từ Mỹ, các đại sứ quán Pháp tại đây cũng như các phái bộ phương Tây khác cũng đang cố gắng hết sức để ngăn chặn hội nghị thượng đỉnh này diễn ra. Về bản chất, họ không chấp nhận quyền chủ quyền của các quốc gia châu Phi trong việc tự xác định các đối tác hợp tác và tương tác lẫn nhau trong các lĩnh vực khác nhau”.

Vào năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington, tìm cách củng cố các liên minh trong bối cảnh Nga và Trung Quốc hiện diện ngày càng tăng trên lục địa này.

Phát biểu vào tháng 4 sau khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc phương Tây đang tìm cách phá hỏng hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng nước này không muốn hạn chế quan hệ đối tác của châu Phi với các nước khác. Ông nói: “Chúng tôi muốn trao cho các nước châu Phi lựa chọn”.

Trong khi đó, ông Peskov cho biết sự kiện trên của Nga sẽ rất quan trọng để các bên có thể thảo luận về nguồn cung cấp ngũ cốc, hành vi có trách nhiệm của Nga và những nỗ lực hỗ trợ thị trường thế giới.

Tuần trước, Nga đã thông báo rằng họ sẽ rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau khi các điều kiện của Nga không được đáp ứng. Nga đã nói về khả năng cung cấp ngũ cốc giá rẻ hoặc miễn phí cho các quốc gia nghèo nhất châu Phi để thay thế ngũ cốc của Ukraine và bù đắp thiếu hụt ngũ cốc.

Theo hãng thông tấn RIA ngày 25/7, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, ông Oleg Ozerov cho biết Nga và các quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi trong tuần này sẽ thảo luận về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ông nói: “Việc thiết lập các hành lang hậu cần, các trung tâm trung chuyển không chỉ cho lương thực và phân bón, mà cho mọi loại hàng hóa khác được sản xuất tại Nga, sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị”.

Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các bên tham gia hội nghị này sẽ thông qua một gói thỏa thuận, một loạt tuyên bố chung và một tuyên bố toàn diện cũng như Kế hoạch Hành động diễn đàn hợp tác Nga - châu Phi 2026. Theo ông Putin, phía Nga đang nỗ lực chuẩn bị một gói thỏa thuận liên chính phủ và liên cơ quan cùng biên bản ghi nhớ với từng quốc gia riêng lẻ cũng như các hiệp hội khu vực của châu Phi. Ông nhấn mạnh: "Nga sẽ tiếp tục các nỗ lực tích cực nhằm cung cấp ngũ cốc, sản phẩm lương thực, phân bón và các loại sản phẩm khác cho châu Phi", cũng như tiếp tục hỗ trợ cho các nước châu Phi "xây dựng nguồn nhân lực quốc gia".

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga không can thiệp đề xuất về xuất khẩu ngũ cốc của các nước Baltic
Nga không can thiệp đề xuất về xuất khẩu ngũ cốc của các nước Baltic

Ngày 25/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đề xuất của các quốc gia vùng Baltic về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng của họ là quyền chủ quyền của các quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN