Theo đài RT (Nga), phát biểu bên lề Câu lạc bộ thảo luận Quốc tế Valdai, bà El-Sheikh cho rằng sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu, vốn được Mỹ đưa ra sau Thế chiến thứ hai để thống trị nền kinh tế thế giới, là điều chưa từng có tiền lệ.
“Điều quan trọng đối với châu Phi không chỉ là thoát khỏi chế độ thực dân mà còn là thoát khỏi đồng USD, hệ thống tài chính SWIFT và tất cả những vấn đề gây nhiều khó khăn cho nỗ lực hợp tác của chúng ta”, bà nói
Bà El-Sheikh nói rằng việc chuyển hướng khỏi đồng USD và đồng euro sẽ khuyến khích mối quan hệ hợp tác giữa Nga và châu Phi. Bà kêu gọi hai bên tiến hành nhiều hơn hoạt động thương mại bằng tiền tệ quốc gia, đồng thời nói rằng người dân sẽ được hưởng lợi từ việc thoát khỏi các công cụ tài chính của phương Tây.
Đề cập đến Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Giáo sư El-Sheikh tuyên bố rằng các quốc gia châu Phi không được hưởng lợi từ thỏa thuận, vốn được đưa ra để giảm nạn đói ở các nước nghèo. Bà nói rằng trên thực tế, sáng kiến này lại “phục vụ lợi ích của các nước châu Âu và các quốc gia giàu có khác”. Bà chỉ ra rằng trong số 33 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu, chỉ có 3% trong số đó thực sự đến được các nước nghèo.
Hôm 17/7, Nga đã rút khỏi thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen với lý do Mỹ đã không giữ lời hứa dỡ bỏ một số hạn chế mà nước này áp đặt sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, bao gồm kết nối lại các ngân hàng của Nga với hệ thống SWIFT, mở một đường ống dẫn amoniac quan trọng, cho phép nhập khẩu của máy móc và các linh kiện nông nghiệp, gỡ bỏ trừng phạt đối với việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga, cùng các vấn đề hậu cần khác.
Đồng thời, bà El-Sheikh hoan nghênh động thái của Nga gửi ngũ cốc và phân bón miễn phí tới các nước châu Phi, cũng như quyết định xóa khoản nợ 25 tỷ USD cho châu lục này.
Bà lưu ý rằng châu Phi đang trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó tình trạng thiếu lương thực và năng lượng ảnh hưởng nặng nề nhất đến người dân. Theo nhiều ước tính khác nhau, khoảng 43% người dân sống trên lục địa này không được sử dụng điện.
Theo bà El-Sheikh, các dự án năng lượng được thực hiện với sự hợp tác của Nga có thể hỗ trợ các khu vực thiếu điện. Đặc biệt, bà nhấn mạnh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân El Dabaa ở Ai Cập.
Nhà máy điện hạt nhân El Dabaa, do Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Rosatom điều hành, bao gồm 4 tổ máy sử dụng công nghệ VVER của Nga. Mỗi tổ máy có công suất 1.200 MW và được trang bị các lò phản ứng thế hệ III+ VVER-1200, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ai Cập hy vọng nhà máy điện hạt nhân này sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2030.