Nội dung trên được tờ Financial Times đưa tin vào ngày 10/1. Kể từ năm 2022 đến nay, Nga đã bị phương Tây áp đặt tới 40.000 lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo tờ báo này của Anh, các quan chức Brussels đang thể hiện sự quan ngại rằng Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức có thể hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Nga chỉ vì lý do những biện pháp này được người tiền nhiệm của ông khởi xướng.
Brussels được cho là đang cố gắng phân tích hàng trăm lệnh trừng phạt và sắc lệnh hành pháp được Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Biden từng phê duyệt để áp đặt đối với phía Nga. Điều này giúp EU đánh giá xem việc đảo ngược những lệnh trừng phạt nào sẽ có thể tác động đáng kể nhất đến khối này.
Một số quan chức của EU cũng trao đổi với tờ Financial Times rằng ông Trump thậm chí có thể hoàn toàn bỏ qua lợi ích của liên minh này khi xem xét các quyết định về chính sách đối ngoại của ông Biden.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ vào tháng 2/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã đưa ra hàng loạt các hạn chế liên tiếp, nhằm mục đích khiến cho nền kinh tế Nga vào vòng xoáy suy thoái. Cụ thể, các lệnh trừng phạt trên đã đóng băng một phần đáng kể tài sản có chủ quyền của Nga, sử dụng tiền lãi từ các quỹ đó để tài trợ cho khoản vay cho Kiev; nhắm vào các ngân hàng lớn nhất và các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước Nga; và đưa nhiều quan chức cấp cao vào “danh sách đen”, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Gần đây, theo một số nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga trong tuần này, như một động thái để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về những lệnh trừng phạt mà Tổng thống Biden dự kiến sẽ áp dụng lên Nga, nhưng các trợ lý của ông đã thông báo cho các trợ lý của ông Trump về những bước mà họ đang thực hiện.
Theo hãng tin Reuters đưa tin vào đầu tuần này, Mỹ đang lên kế hoạch áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào doanh thu dầu mỏ của Nga. Một nguồn tin cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào 2 công ty dầu mỏ của Nga, hơn 100 tàu chở dầu, các nhà buôn dầu và các công ty bảo hiểm của Nga.
Về phía Nga, nước này lên án mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của phương Tây đang áp đặt, đồng thời nhận định việc đóng băng tài sản là hành vi "trộm cắp". Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga có thể chịu được áp lực chưa từng có từ phương Tây, đồng thời nhấn mạnh rằng những hành động này của phương Tây dường như đang khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp nội địa của Nga.
Không chỉ dưới thời Tổng thống Biden, một số lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Moskva có hiệu lực từ trước năm 2022. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi khi lãnh thổ Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập Liên bang Nga vào năm 2014.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump vẫn duy trì việc áp đặt các hạn chế đối với Nga thông qua việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với một số quan chức nước này.