Các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chuẩn bị cho việc ông Trump trở lại Nhà Trắng

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đối mặt với những biến động lớn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1. Sự trở lại này có thể tạo ra những thay đổi chưa từng có, thách thức trật tự khu vực và toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một sự kiện ở Phoenix, bang Arizona, ngày 22/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bình luận trên trang web của Diễn đàn Đông Á (eastasiaforum.org) mới đây, Yves Tiberghien, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học British Columbia, học giả Viện Hàn lâm Harvard cho biết, việc một chính quyền Trump 2.0 không bị ràng buộc có thể tạo ra nhiều biến động chưa từng có cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong 5 năm qua, khu vực này đã chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, cùng với tác động từ đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột ở Ukraine cũng như ở Trung Đông. Tuy nhiên, những biến động này có thể chỉ là khởi đầu cho những thay đổi lớn hơn sắp tới.

Theo phân tích của Giáo sư Tiberghien, ba xu hướng chính đang định hình tương lai của khu vực: sự chuyển dịch từ thế giới đơn cực sang thế giới “lai” giữa lưỡng cực và đa cực; các động lực cho toàn cầu hóa tự do đang cạn kiệt; và áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, công nghệ xanh và cuộc cách mạng AI.

Điều đáng chú ý là Mỹ - siêu cường từng xây dựng trật tự toàn cầu hiện tại trong suốt 7 thập kỷ qua - giờ đây có thể trở thành lực lượng phá vỡ chính hệ thống này. Chính sách của ông Trump sau ngày 20/1/2025 được dự báo sẽ không chỉ dừng lại ở những điều chỉnh nhỏ. Thay vào đó, có thể là một cuộc tấn công trực diện vào các nỗ lực hợp tác quốc tế kể từ năm 1919, với chiến tranh thương mại quy mô lớn và việc Mỹ rút khỏi các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh trên, giới tinh hoa ở các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phải vật lộn để dự đoán và hiểu rõ “cơn bão” sắp đến từ chính quyền Trump 2.0. Rõ ràng, chính quyền Mỹ mới sẽ là bên đầu tiên đưa ra hàng loạt thuế quan thương mại, lệnh cấm vận công nghệ bổ sung, yêu cầu tăng chi tiêu quân sự từ các đồng minh và khả năng triển khai quân sự mới.

Ông Trump và một số cố vấn ủng hộ kinh doanh cốt lõi của ông, chẳng hạn như tỷ phú Elon Musk, ông Stephen Schwarzman hoặc Peter Thiel cuối cùng có thể tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng xét đến nhóm cố vấn an ninh và đối ngoại của ông Trump và vị thế của hệ thống Mỹ so với Trung Quốc, điều này khó có thể xảy ra.

Trước tình hình này, Trung Quốc được cho là có ba lựa chọn chiến lược. Thứ nhất là chuyển hướng, ẩn mình, bảo vệ trật tự kinh tế tự do và theo đuổi các lựa chọn ngoại giao. Điều này sẽ có những tổn thất về mặt chiến thuật và chính trị, nhưng có thể đạt được lợi ích chiến lược dài hạn. Thứ hai là đối đầu trực diện với Mỹ trên mọi mặt trận, từ an ninh đến thương mại và ngoại giao. Thứ ba là thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro gián tiếp thông qua các thể chế thay thế và quan hệ song phương trong khu vực.

Trong khi đó, các đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada sẽ phải đối mặt với những hạn chế lớn do phụ thuộc vào an ninh Mỹ. Ngược lại, các cường quốc tầm trung đang nổi lên như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự khu vực mới.

Giáo sư Tiberghien cảnh báo rằng những động thái phi truyền thống của Mỹ hoặc phản ứng phủ đầu của Trung Quốc có thể châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng lớn tại các điểm nóng như Biển Đông, eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông hoặc Bán đảo Triều Tiên.

Điều đáng lo ngại là hầu hết giới tinh hoa ở các nước trong khu vực đang gặp khó khăn trong việc dự đoán và hiểu rõ những gì có thể xảy ra. Họ vẫn cam kết theo đuổi một trật tự dựa trên luật lệ và tìm kiếm sự ổn định. Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc muốn kiềm chế Trung Quốc, nhưng theo cách duy trì trật tự toàn cầu.

Câu hỏi then chốt đặt ra cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là liệu họ có thể giữ được những thành quả phát triển đã đạt được trước làn sóng biến động mới này hay không. Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn còn là ẩn số, nhưng rõ ràng tương lai của khu vực sẽ không chỉ phụ thuộc vào động thái của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc, mà còn vào cách các nước liên quan vận dụng đòn bẩy của mình để định hình trật tự thế giới thời gian tới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eastasiaforum.org)
Thực hư trong những đề xuất đáng chú ý của ông Trump về Tây Bán cầu
Thực hư trong những đề xuất đáng chú ý của ông Trump về Tây Bán cầu

Những đề xuất đối với khu vực Tây Bán cầu của ông Trump đang thu hút sự chú ý với những đề xuất táo bạo như mua Greenland, đòi lại Kênh đào Panama và biến Canada thành tiểu bang thứ 51. Ý tưởng gây tranh cãi này làm dấy lên câu hỏi về tham vọng chiến lược của Tổng thống đắc cử Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN