Lý do khiến một số người mắc COVID-19 nặng hơn những người khác

Các nhà khoa học đã tìm ra lời giải cho lý do tại sao một số người mắc COVID-19 nặng hơn những người khác.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Theo trang Daily Mail (Anh), trong một dự án quốc tế, Tiến sĩ Jean-Laurent Casanova - chuyên gia về di truyền học và các bệnh truyền nhiễm ở người, cùng các đồng nghiệp của ông tại Đại học Rockefeller (Mỹ), đã nghiên cứu các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Nhóm các nhà khoa học phát hiện ra rằng những bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 có nồng độ tự kháng thể cao hơn nhiều so với những bệnh nhân không phải điều trị tại bệnh viện. Họ ước tính rằng tự kháng thể chiếm khoảng 1/5 tổng số ca tử vong do COVID-19 gây ra.

Tự kháng thể là các kháng thể (các protein miễn dịch) do nhầm lẫn mục tiêu nên tấn công nhầm vào các protein trong cơ thể con người, gây tổn thương các mô đặc hiệu hoặc các bộ phận của cơ thể. Một hoặc nhiều tự kháng thể được sản sinh bởi hệ thống miễn dịch của một người khi nó không thể phân biệt giữa protein “ngoại lai” và “tự thân”.

Nghiên cứu cũng tiết lộ các kháng thể tự tấn công cơ thể này đã làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh bằng cách chặn hoạt động của các phân tử ngăn virus lây nhiễm. Nồng độ tự kháng thể thấp cũng có thể giải thích tại sao một số người không có, hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19.

Trước đó, các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nồng độ tự kháng thể trong máu của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách thức khác nhau, chẳng hạn bằng cách tấn công các protein giúp kiểm soát đông máu.

Do các tự kháng thể có thể được phát hiện trong các xét nghiệm máu, việc sàng lọc có thể giúp xác định những người có nồng độ tự kháng thể cao. Từ đó, các bác sĩ có thể phát hiện sớm những người mắc bệnh cần điều trị tích cực và đưa ra phương pháp điều trị dự phòng.

Giáo sư Adrian Liston tại Viện Babraham (Anh) cho biết còn quá sớm để khẳng định tự kháng thể có đóng vai trò gì trong việc gây bệnh COVID-19 nghiêm trọng hoặc chứng COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, ông cho rằng chúng ta cần theo dõi sự hiện diện của chúng. 

“Đây chắc chắn là một hướng đi hợp lý vì đã có bằng chứng cho thấy các tự kháng thể có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, không giống như virus. Vì vậy, nó cũngcó thể giải thích lý do tại sao các triệu chứng COVID-19 vẫn tồn tại lâu sau khi virus biến mất”, ông nói.

Các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ mở đường cho những đổi mới trong việc chẩn đoán và điều trị COVID-19 trong tương lai. Giáo sư Liston dự đoán sẽ có một công cụ chẩn đoán chứng COVID-19 kéo dài dựa trên tự kháng thể trong vòng 6 tháng tới.

Hải Vân/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 26/1: Pháp hơn nửa triệu ca nhiễm/ngày; Brazil 'nóng' trở lại
COVID-19 tới 6h sáng 26/1: Pháp hơn nửa triệu ca nhiễm/ngày; Brazil 'nóng' trở lại

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,4 triệu ca nhiễm mới và 7.200 ca tử vong. Nước Pháp dẫn đầu với trên nửa triệu ca nhiễm mới trong khi Brazil đang trở lại là điểm nóng lây nhiễm của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN