Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận họ đã tiến hành một chiến dịch chống khủng bố lớn vào đêm 27/8 tại các khu vực Jenin và Tulkarem ở phía Bắc Bờ Tây. Các cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn và thị trấn ở Bờ Tây diễn ra gần như hàng ngày và đã gia tăng kể từ ngày 7/10/2023. Khi đó, Hamas xâm nhập biên giới, giết chết 1.139 người ở miền Nam Israel và bắt giữ khoảng 240 người. Kể từ đó, chiến dịch của Israel đã khiến 40.534 người tử vong và 93.778 người khác bị thương ở Gaza. Trong cùng khoảng thời gian, lực lượng Israel đã khiến 662 người Palestine thiệt mạng và khoảng 5.400 người bị thương ở Bờ Tây.
Bên cạnh đó, dọc theo biên giới Israel-Liban, Israel và với Hezbollah đã đọ hỏa lực từ tháng 10/2023 khiến hàng trăm nghìn người ở cả hai bên biên giới phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng. Vậy lý do nào khiến Israel lại sử dụng vũ lực để đối phó với nhiều lực lượng cùng một thời điểm như vậy?
Cuộc chiến chưa có hồi kết ở Gaza
Bất chấp việc phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas bị phá hủy và hàng chục nghìn người tử vong, dấu hiệu về hồi kết của giao tranh ở Gaza vẫn mơ hồ. Đàm phán tiếp theo về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đang đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh Hamas sẵn sàng đàm phán dựa trên các đề xuất do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra vào ngày 2/7 nhưng sẽ không chấp nhận các điều kiện mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra. Theo tờ New York Times (Mỹ) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ muốn một lệnh ngừng bắn tạm thời, trong khi thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar lại muốn dừng hoàn toàn.
Mạng lưới đường hầm quy mô của Hamas cũng khiến Israel khó giành chiến thắng. Một số thủ lĩnh của phong trào này được cho đang ẩn sâu dưới lòng đất cùng các con tin Israel. Chiến thuật của Israel cũng khiến việc giành chiến thắng trở nên khó khăn hơn. Quân đội Israel đã nhanh chóng rút lui khỏi hầu hết các khu vực mà họ rà soát, điều này có thể khiến lực lượng Hamas tái tập hợp lại ở đó.
Bạo lực leo thang tại Bờ Tây
Israel kiểm soát Bờ Tây từ năm 1967. Kể từ đó, nước này đã xây dựng và mở rộng nhiều khu định cư. Cộng đồng quốc tế coi các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp vì xây dựng trên phần đất bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967. Quân đội Israel vẫn duy trì sự hiện diện rộng rãi trên khắp Bờ Tây, một phần là để bảo vệ khoảng 500.000 người Israel đang sống trong các khu định cư. Quân đội Israel thường xuyên đột kích và tấn công các thành phố của người Palestine ở Bờ Tây để trấn áp các nhóm vũ trang Palestine, bao gồm cả Hamas, thực hiện các cuộc tấn công khủng bố vào người Israel tại các khu định cư đó và cả trên lãnh thổ Israel.
Dưới đây là video do quân đội Israel công bố ngày 31/8 về chiến dịch tại Bờ Tây (nguồn: Reuters):
Nhiều nhóm vũ trang Palestine phản đối sự tồn tại của nhà nước Israel. Họ hoạt động nhiều hơn trong những năm gần đây khi sự chiếm đóng của Israel ngày càng dai dẳng, gần như chấm dứt giấc mơ về một nhà nước Palestine, kèm theo đó là sự phẫn nộ ngày càng tăng của người Palestine đối với người Israel. Những người Israel cực đoan tại các khu định cư đã gia tăng bạo lực nhằm vào người dân thường Palestine.
Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát ở Gaza, Israel đã tăng cường tấn công vào các nhóm vũ trang Palestine này. Israel còn cáo buộc Chính quyền Palestine (PA) đã trở nên quá yếu để tự mình kiểm soát các nhóm vũ trang Palestine.
Vào ngày 19/8, một vụ đánh bom tự sát ở Tel Aviv do Hamas nhận thực hiện cùng phong trào Islamic Jihad dường như làm dấy lên lo ngại trong cơ quan an ninh Israel. Cảnh sát và Cơ quan An ninh nội địa Israel (Shin Bet) nhận diện nghi phạm thực hiện vụ đánh bom là một công dân ở Nablus, Bờ Tây. Do đó, nhà phân tích chính trị Abdaljawad Omar tại thành phố Ramallah (Bờ Tây) nhận định rằng vụ đánh bom tự sát ngày 19/8 là tín hiệu cho thấy người Palestine ở Bờ Tây trong các nhóm bí mật đang tiến tới hành động tấn công nhiều hơn. Điều này có thể khiến lực lượng Israel cảm thấy cần phải có chiến lược tấn công chủ động hơn.
Biên giới Israel-Liban không bình yên
Hezbollah tại Liban đã nhắm hỏa lực vào Israel để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ngay sau vụ tấn công ngày 7/10/2023. Kể từ đó, Israel và Hezbollah đã trao đổi hỏa lực xuyên biên giới thường xuyên.
Tuy nhiên, dường như hai bên đều cố gắng tránh một cuộc chiến tranh trên bộ có khả năng tàn phá cả hai quốc gia. Máy bay chiến đấu của Israel có thể làm tê liệt thủ đô Beirut của Liban, trong khi Hezbollah có hàng nghìn tên lửa dẫn đường chính xác có thể phá hủy các thành phố của Israel.
Israel tuyên bố sẽ không ngừng nhắm vào mục tiêu Hezbollah cho đến khi người dân miền Bắc Israel, khoảng 60.000 người buộc phải di dời do giao tranh, được trở về nhà an toàn. Ngược lại, Hezbollah đã cam kết sẽ tiếp tục phóng rocket và thiết bị bay không người lái đến Israel cho đến khi lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza được thực hiện. Khi chưa thấy hồi kết ở Gaza, cuộc chiến ở Liban có thể sẽ kéo dài, làm tăng khả năng tính toán sai lầm của cả hai bên.
Lập luận của Israel về việc dùng vũ lực
Israel khẳng định nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự vệ trước một liên minh khu vực do Iran đứng đầu. Các quan chức Israel nhấn mạnh Hamas và Hezbollah tấn công Israel trước, buộc Tel Aviv phải đáp trả.
Người Israel thường trích dẫn việc họ rút khỏi Gaza vào năm 2005 như một ví dụ về việc thiện chí của Israel đã thất bại như thế nào. Theo đó, Hamas chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006, giành quyền kiểm soát Gaza từ nhóm đối thủ Fatah một năm sau đó và sử dụng Gaza làm địa điểm cho các cuộc tấn công vào Israel mà đỉnh điểm là cuộc đột kích ngày 7/10/2023. Do đó, họ coi vũ lực là biện pháp răn đe hợp lý duy nhất đối với các lực lượng bao gồm Hamas.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối cho rằng Israel không quan tâm nhiều đến cuộc sống người dân thường đồng thời cáo buộc Israel tiến hành diệt chủng. Nhưng Tel Aviv đã bác bỏ cáo buộc này. Tại Liban, Iran và những nơi khác ở Trung Đông, người chỉ trích Israel cho rằng nước này đã quá khiêu khích trong việc lựa chọn mục tiêu và quá miễn cưỡng với biện pháp ngoại giao. Ví dụ, một số người coi các vụ ám sát chỉ huy quân sự của Hezbollah là Fuad Shukr và thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh vào cuối tháng 7, là những hành động can thiệp vô trách nhiệm, vượt qua quá ranh giới đỏ.
Hơn thế nữa, có ý kiến cáo buộc Israel đã tự đẩy mình vào tình cảnh khó khăn này khi không đồng ý ký kết thỏa thuận hòa bình với người Palestine hai thập niên trước. Lệnh phong tỏa Gaza kéo dài 17 năm, ngăn cản nhiều người trong lãnh thổ này ra nước ngoài, kìm hãm nền kinh tế của dải đất này và chặn quyền tiếp cận các dịch vụ hàng ngày như internet…