Theo trang Al Jazeera, thành phố Jenin, nơi sinh sống của gần 50.000 dân, đã bị lực lượng Israel bao vây theo một phần của cuộc chiến dịch rộng lớn hơn được phát động tại Jenin, Nablus, Tubas, Tulkarem. Cho đến nay, cuộc tấn công đã khiến 10 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Lối vào bệnh viện đã bị chặn bằng rào chắn đất, các cơ sở y tế khác đã bị quân đội bao vây.
Chính quyền Palestine (PA) tuyên bố các bệnh viện đang bị bao vây và cảnh báo hậu quả nghiêm trọng trước các mối đe dọa tấn công vào các bệnh viện.
Trước đó, Jenin đã từng là tâm điểm trong các cuộc tấn công quân sự của Israel. Ông Zaid Shuabi, nhà tổ chức nhân quyền Palestine ở Bờ Tây, bình luận rằng trong lịch sử lâu dài của các cuộc tấn công quân sự, Jenin giống như Gaza ở quy mô nhỏ hơn.
“Không thể nhìn thấy đường vì chúng đã bị phá hủy. Cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước thải và điện, đường ống nước và mạng lưới viễn thông đều bị hư hại”, ông Shuabi cho biết.
Liên tục bị tấn công
Các cuộc tấn công của Israel vào Jenin không phải là mới. Từ cuộc Intifada lần thứ hai năm 2000 – 2005 đến cuộc tấn công hiện tại, Jenin hiếm khi tránh khỏi “cơn bão tồi tệ nhất” đang hoành hành khắp Bờ Tây.
Trại tị nạn tại Jenin được cho là nơi sinh sống của khoảng 14.000 người, hầu hết là hậu duệ của người Palestine bị tước đoạt đất đai và nhà cửa khi nhà nước Israel thành lập vào năm 1948.
Điều kiện sống trong trại tị nạn này rất tồi tệ. Trong số 10 trại tị nạn trên khắp Bờ Tây, Jenin có tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao nhất, cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho hay.
Tháng 1/2023, cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn này đã gây chấn động toàn cầu. Trong cuộc tấn công, 10 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có một phụ nữ lớn tuổi.
Trong nhiều cuộc tấn công liên tiếp, lực lượng Israel đã phá hủy toàn bộ các khu phố, tuyên bố rằng chúng chứa chấp các tay súng Hamas. Các nhà hoạt động cho biết nhiều dân thường cũng trở thành mục tiêu trong các cuộc tấn công này - bị giết hại, bị bắt giữ hoặc bị tước đoạt nhà cửa.
Jenin cũng từng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc Intifada lần thứ hai.
Năm 2002, Israel đã phát động cuộc tấn công lớn vào trại tị nạn Jenin, nơi xảy ra một số vụ bạo loạn tồi tệ nhất trong thời kỳ bất ổn.
Tháng 4 năm đó, bộ binh, lực lượng biệt kích và trực thăng tấn công của Israel đã chiến đấu với các chiến binh vũ trang hạng nhẹ và bẫy mìn tự chế trên khắp trại dân sự này. Hành động này đã bị các nhóm nhân quyền lên án là “không cân xứng”.
Báo cáo của Liên hợp quốc vào cuối năm 2022 cho biết 52 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có tới một nửa là thường dân. Trong khi đó, Israel đã mất 23 binh sĩ trong chiến dịch này.
Kháng cự
Nhiều nhóm vũ trang đã hoạt động ở Jenin - bao gồm phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine, phong trào Hamas, cánh vũ trang phong trào Fatah của Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas, và các chiến binh hoạt động dưới sự bảo trợ của Lữ đoàn Jenin.
Bà Tahani Mustafa, chuyên gia về Israel - Palestine tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận định: “Những nhóm này ban đầu chỉ là một cơ chế phòng thủ cộng đồng. Khi các cuộc tấn công của Israel càng dữ dội và mang tính hệ thống, thì các nhóm này càng phát triển lớn mạnh”.
Bà Mustafa cho biết thành viên của các nhóm này đang phản ứng trước sự chiếm đóng ngày càng sâu rộng của Israel.
Trong tâm trí của người Israel, Jenin giống như một trung tâm kháng cự và thường được nhắc đến trong Quốc hội của đất nước (Knesset).
Tháng 12 năm ngoái, sau chiến dịch quân sự trước bình minh ở Jenin, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir đã bảo vệ những binh sĩ Israel sử dụng loa phóng thanh của một nhà thờ Hồi giáo để phát các bài hát tôn giáo cho người dân gần đó.
Tháng 6 cùng năm, sau cuộc tấn công tiếp theo vào khu vực, Bộ trưởng Tài chính cực hữu của Israel Bezalel Smotrich đã kêu gọi triển khai quân đội toàn diện đến thị trấn - bao gồm cả xe tăng và không quân, sau khi 7 binh sĩ Israel bị thương trong cuộc giao tranh ở khu vực này. Bốn người Palestine đã thiệt mạng trong chiến dịch này.
Theo ông Ori Goldberg, nhà phân tích chính trị tại Tel Aviv, tình trạng trại tị nạn ở Jenin cũng không được công chúng Israel ghi nhận.
“Các vấn đề nhân đạo và hoàn cảnh khó khăn của người Palestine không thực sự quan trọng đối với Israel. Có thể nghe thấy những thông tin như 'ổ khủng bố' và những thông tin phi nhân tính khác về Jenin nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác”, ông Goldberg nói.
Ông Goldberg lập luận một phần là do sự hiện diện quân sự của Israel đã tăng lên với tốc độ cao hơn xung quanh các trại tị nạn ở Jenin và Tulkarem, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza so với các khu vực khác.
“Cách kháng cự có vũ trang ở Jenin đã dẫn đến phản ứng mặc định của các nhà lập pháp và công chúng Israel là ‘Jenin thật tệ. Chúng ta nên làm gì đó’, trước khi các lời kêu gọi hành động quân sự được đưa ra và thông tin chi tiết về các lời buộc tội được cung cấp”, ông Goldberg cho hay.