Theo tờ Kyiv Post (Ukraine) ngày 2/11, sau khi Ukraine tăng cường sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp gần đây để tấn công tầm xa vào các sân bay, hệ thống phòng không, kho đạn dược và các cơ sở hạ tầng khác trong các khu vực do Nga kiểm soát, Điện Kremlin hiện đã bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ ứng phó mô phỏng với bộ lực lượng phòng không của mình.
Trước đó vào ngày 17/10, Ukraine tuyên bố đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào hai sân bay ở Berdyansk và Luhansk, sử dụng biến thể bom chùm M39 của ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân) do Mỹ cung cấp. Cuộc tấn công đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn chục máy bay trực thăng, hệ thống phòng không và kho đạn dược của Nga tại các địa điểm trên.
Nga cũng thông báo cuộc tấn công thứ hai mà Ukraine sử dụng ATACMS vào ngày 25/10 nhằm vào một sân bay khác ở phía Nam vùng Luhansk, đã bị ngăn chặn với hai tên lửa bị bắn hạ.
Vào ngày 30/10, Ukraine đã tấn công hệ thống phòng không của Nga trên Biển Đen ở Crimea bằng một loạt cuộc tấn công kết hợp bằng tên lửa và lực lượng đặc biệt. Thông tin chi tiết về cuộc tấn công và liệu ATACMS có tham gia hay không vẫn chưa được xác nhận nhưng có nhiều nghi ngờ rằng chúng đã được phía Ukraine sử dụng.
Do đó, Nga đã phản ứng trước việc quân đội Ukraine tăng cường sử dụng ATACMS. Ngày 2/11, nhiều thông tin cho biết các đơn vị phòng không trên khắp nước Nga đang bắt đầu huấn luyện với các thiết bị mô phỏng, đặc biệt là để đánh chặn và tiêu diệt ATACMS.
Trung tướng Aitech Bizhev, cựu Phó tư lệnh Không quân Nga cho biết: “Các đơn vị chiến đấu của tất cả lực lượng phòng không trên toàn quốc đang huấn luyện trên mô phỏng như một phần của quá trình chuẩn bị chiến đấu".
Tướng Bishev hiện là Tổng Giám đốc của “Xí nghiệp sản xuất và khoa học ELTOM”, một nhà sản xuất vũ khí của Nga liên quan đến việc sản xuất tên lửa chiến thuật được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Bizhev nói thêm rằng lý do tăng cường huấn luyện ngoài lực lượng được triển khai cho cuộc xung đột ở Ukraine là vì “hiện nay Ukraine có tên lửa ATACMS và sắp tới chúng có thể xuất hiện ở các nước biên giới với Nga ở phía Tây Bắc, phía Nam và các hướng khác”.
Ông Bishev cũng nhắc lại tuyên bố ngày 25/10 của Moskva rằng hai tên lửa ATACMS đã bị quân đội Nga bắn hạ bằng hệ thống tên lửa đất đối không S-400.
Ngoài ra, để ứng phó với ATACMS, có thông tin cho rằng các lực lượng Nga cũng đang di chuyển các cơ sở hậu cần và sở chỉ huy ra xa tiền tuyến và ra khỏi tầm bắn của ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Các báo cáo từ phương tiện truyền thông phương Tây cho biết Ukraine đã nhận được khoảng 20 tên lửa M39 ATACMS. Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Ukraine, cho biết thời gian tới Kiev sẽ nhận được ATACMS bổ sung.