Đây được xem là một dấu ấn của Bồ Đào Nha trên cương vị Chủ tịch EU trong 6 tháng đầu năm 2021. Slovenia sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên này từ ngày 1/7.
Luật khí hậu đã được các nước thành viên EU thông qua vào ngày 28/6, đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý của khối này trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Luật cũng quy định vào năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hoan nghênh bước tiến trên, đồng thời cho biết sẽ đề xuất các quy định phù hợp với Luật khí hậu trong vòng 15 ngày.
Theo kế hoạch, ngày 14/7 tới, EC sẽ đề xuất một loạt các chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra. Các đề xuất sẽ bao gồm các mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường carbon của EU và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với các ô tô mới.
Phần lớn các luật hiện hành của EU hướng tới thực hiện mục tiêu mà khối này đề ra trước đây là giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030. Do vậy, các luật này cần phải sửa đổi để đáp ứng các mục tiêu mới đề ra về giảm lượng khí thải.
Sau khi luật khí hậu được thực thi, vấn đề khí hậu sẽ là trung tâm trong mọi quyết sách của EU, đảm bảo rằng các quy định trong tương lai đều nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự luật cũng yêu cầu EU thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập chuyên đưa ra tư vấn về các chính sách khí hậu và thiết lập một cơ cấu giống như ngân sách nhằm tính toán tổng lượng khí phát thải của EU từ năm 2030-2020 theo các mục tiêu về giảm lượng khí thải.