Cách đây không lâu, Nabipur là ngôi làng thuần nông yên tĩnh tại miền Bắc Ấn Độ. Hiện giờ nơi đây có hàng chục lò đốt lốp xe thải loại để thu về tái phẩm là dầu chất lượng kém, quá trình này được gọi là nhiệt phân.
Sáu năm trước đây, không có nhà máy nhiệt phân nào tại Nabipur nhưng nay ngôi làng này có tới 10 nhà máy, phần lớn đều hoạt động vào ban đêm để tránh kiểm soát. Người lao động tại đây không hề có thiết bị và trang phục bảo hộ, da của họ đều phủ màu đen. Còn người dân làng Nabipur lại than phiền rằng họ bị khó thở kể từ khi những cơ sở nhiệt phân như vậy mở rộng.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, giao dịch toàn cầu về mua bán lốp xe thải loại đã tăng gấp đôi trên toàn cầu trong 5 năm qua, chủ yếu diễn ra tại các quốc gia phát triển như Ấn Độ và Malaysia.
Anh hiện là nhà xuất khẩu lốp xe thải loại lớn nhất thế giới, theo sau là Italy và Mỹ. Ấn Độ trong khi đó lại là nhà nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này, chiếm 32% lượng nhập khẩu trong năm 2018.
Những lốp xe thải loại này sau nhập khẩu sẽ trải qua quy trình tái chế tuân thủ theo quy định về xử lý rác thải nhưng vẫn có lượng lớn lại đổ về các lò đốt tự phát. Khi đến Ấn Độ, những lốp xe thải loại sẽ được tái chế sử dụng trong thi công đường xá, sân vận động, hoặc bị đốt xử lý thành dầu giá rẻ tạo xi măng và gạch.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết đối với nhiều quốc gia đang phát triển, việc nhận lốp xe thải loại từ nước ngoài về xử lý còn rẻ hơn tái chế vật liệu này ở trong nước. Đây là động lực khiến giao dịch rác thải cao su toàn cầu đạt 2 triệu tấn trong năm 2018, tương đương 200 triệu lốp xe.
Nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng này tại những quốc gia như Ấn Độ còn phải kể đến thiết bị nhiệt phân giá rẻ của Trung Quốc và quy định quốc tế chưa đủ nghiêm ngặt.
Lốp xe không được coi là rác thải nguy hiểm theo Công ước Basel do vậy không có nhiều hạn chế trong giao dịch loại rác này trên toàn cầu. Nhà máy nhiệt phân đủ tiêu chuẩn có thể mất hàng chục triệu USD để xây dựng. Trong khi đó, thiết bị nhiệt phân của Trung Quốc lại được rao bán với mức “trang trải được” là 30.000 USD.
Những người ủng hộ nhiệt phân cho biết quá trình xử lý lốp thải loại thành dầu nhờ nhiệt độ cao này khá “sạch”. Tuy nhiên, việc đốt lốp thải có thể kéo theo tình trạng phát sinh khí thải.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng ngắn hạn đối với những người thường xuyên hít khói từ lốp xe đốt bao gồm kích ứng da, lâu dài có thể dẫn tới đau tim hoặc ung thư phổi. Một số tổ chức như Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cũng đưa ra kết luận tương tự. Trong một báo cáo năm 1997, EPA cho biết khí thải từ đốt lốp xe cũ bao gồm dioxin, sulphur oxide, thủy ngân và asen.
Chính phủ Ấn Độ ước tính rằng tính đến tháng 7/2019, có 637 nhà máy nhiệt phân được cấp phép tại quốc gia này nhưng trong đó 270 nhà máy không đạt tiêu chuẩn về môi trường và đã có 116 nhà máy đóng cửa.
Các nhà máy nhiệt phân cũng mọc lên như nấm tại bang miền Nam Malaysia là Johor trong thập niên qua. Ảnh hưởng môi trường từ quá trình nhiệt phân đối với Ấn Độ và Malaysia đã khiến các quốc gia khác chú ý.
Australia trong tháng 8 tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu rác thải, trong đó có lốp ô tô. Nhưng Australia chưa nêu chi tiết thời điểm thực thi quyết định này.
Tại hầu hết các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ, phần lớn lốp xe thải loại được xử lý trong nước, tái chế hoặc sử dụng trong các nhà máy sản xuất.