Thụy Sĩ đi đầu xu thế 'tái chế xanh'

Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) năm 2018 của các trường đại học Yale và Colombia (Mỹ) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện, xếp hạng 180 quốc gia trên thế giới về thực hiện các vấn đề môi trường có mức độ ưu tiên cao, Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu trong giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường với số điểm cao nhất 87,42.

Đây là kết quả của chính sách bảo vệ môi trường mà Chính phủ Thụy Sĩ triển khai mạnh mẽ nhiều năm qua, thông qua những giải pháp cụ thể trong Kế hoạch hành động kinh tế xanh, tập trung vào hỗ trợ tài chính cho bảo vệ môi trường và đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng trưởng xanh, thúc đẩy công nghệ môi trường và đổi mới sinh thái, "Xanh hóa" hệ thống thuế và phí thông qua các sắc thuế môi trường...

Chú thích ảnh
Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu trong giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường. Ảnh: houseofswitzerland.org

Hiến pháp Thụy Sĩ từ năm 1971 quy định rõ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, bởi vậy Chính phủ Thụy Sĩ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật phát nghiêm ngặt về môi trường, đồng thời coi giáo dục công tác bảo vệ môi trường cho người dân là khâu cơ bản trong giáo dục-đào tạo ở mọi cấp học. Điều đó đã tạo nên thành công của Thụy Sĩ trong việc bảo vệ môi trường.

Một trong những kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong vấn đề bảo vệ môi trường là xử lý rác thải. Thụy Sĩ đã ban hành luật về việc xử lý rác thải, chất thải. Để khuyến khích tái chế, phí tái chế trả trước được áp dụng đối với các vật dụng thủy tinh và pin, chai nhựa (PET), lon nhôm, hộp đựng thực phẩm. Phí tái chế trả trước cũng được áp dụng cho chai nhựa, lon nhôm và hộp thực phẩm, nhờ đó tỷ lệ được tái chế đã tăng lên đáng kể (tỷ lệ tái chế chai PET lên 80% trong vòng 25 năm).

Riêng đối với tái chế và xử lý pin đã qua sử dụng, quy trình tái chế nhiệt phân Batrec của Thụy Sĩ, cho phép thu hồi các kim loại có trong nguồn điện cũ mà không gây ô nhiễm môi trường, đang được đánh giá có nhiều ưu điểm.

Mỗi năm, 120 triệu pin các loại được bán ra tại Thụy Sĩ. Pin đã qua sử dụng được coi là "chất thải đặc biệt" vì chúng có thể gây ô nhiễm nước, đất và không khí. Tất cả các loại pin, từ pin tròn, pin khô, pin sạc… đều chứa các thành phần độc hại, các dung dịch muối mạnh, các kim loại như thủy ngân, chì, cadmium (Cd, một chất cực độc, cùng với chì và thủy ngân là 3 kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người), mangan, kẽm, niken… đe dọa sức khỏe con người, sự sinh tồn của các loài động thực vật, chưa kể đến các hóa chất tổng hợp  gây tác động tiêu cực tới hệ thống nội tiết của con người. Chính vì vậy, pin đã qua sử dụng cần được xử lý theo phương thức thân thiện với môi trường.

Tại Thụy Sĩ, tất cả các loại pin đã qua sử dụng được thu thập tại 11.000 điểm thu gom rác thải trên khắp cả nước đều được chuyển tới Batrec, nơi loại phế liệu đặc biệt này được tái chế ở một trong những nhà máy hiện đại và hiệu quả nhất thế giới.

Được thành lập vào năm 1989, Batrec Industrie AG là một doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực tái chế pin. Giám đốc Batrec, ông Dieter Offenthaler  khẳng định : "Chúng tôi là doanh nghiệp duy nhất ở châu Âu thu nhận và xử lý tất cả các thành phần  kim loại trong pin, cho dù đó là những thành phần như hợp kim mangan và sắt hay kẽm, mọi thành phần trong pin loại to hay nhỏ đều được xử lý, tái chế, tái sử dụng".

Tọa lạc tại bang Berne, miền Trung Thụy Sĩ, Batrec thực sự là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới đã phát triển một hệ thống có khả năng phân loại trong một chu trình khép kín và xử lý lại các vật liệu nguy hiểm trong các loại pin cũ để lấy ra nguyên liệu thô, từ đó tái sử dụng trong sản xuất.

Giống như với các quy trình xử lý, tái chế các loại rác thải khác, tại Batrec, các loại pin đã qua sử dụng được xử lý trước hết ở khâu phân loại. Sau khi qua phân loại, các phế liệu được nung chảy và phân chia theo các thành phần cấu tạo. Nhà máy Batrec hoạt động liên tục 24/24 và 365 ngày mỗi năm. Các quy trình phân loại, xử lý rác thải được theo dõi từ phòng điều khiển để có thể đạt kết quả tốt nhất.

Không như các doanh nghiệp chuyên xử lý pin đã qua sử dụng khác tại châu Âu, vốn chỉ phân tách các bộ phận bằng thép trong pin nhờ hệ thống máy nghiền và nam châm, Batrec sử dụng hệ thống phân tách hóa học ở nhiệt độ rất cao, đi kèm sau đó là quá trình tổng hợp và chọn lọc trong lò ở nhiệt độ 1.600 ° C.

Các quy trình xử lý nhiệt này nhằm mục đích phân tách các thành phần khác nhau của pin như kẽm, thủy ngân, hợp kim sắt và mangan. Lãnh đạo Batrec nhấn mạnh, Batrec đạt tỷ lệ tái chế 66%.

Đặc biệt, tỷ lệ xử lý các kim loại có trong pin đạt gần 90%, điều này rất ích lợi với môi trường. Với 1 tấn pin đã qua sử dụng, Batrec xử lý và mang lại hơn 300 kg hợp kim mangan và sắt, 180 kg kẽm và thu hồi 50 g thủy ngân.

Các vật liệu thu hồi chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Chẳng hạn, mangan được sử dụng để sản xuất các thiết bị gang hoặc nắp hố ga. Kẽm được dùng để sản xuất các thiết bị bằng thép như rào chắn hoặc cột kèo.

Riêng về xử lý thủy ngân, kim loại đặc biệt độc hại, Batrec đã đầu tư hơn 15 triệu franc Thụy Sĩ vào một nhà máy mới nhằm phát triển các hệ thống chưng cất, phân tách hỗn hợp chuyên biệt.

Do đó, năng lực xử lý chất thải có chứa thủy ngân của Batrec đã tăng từ 300-400 tấn lên mức 1.000-1.500 tấn mỗi năm. Khi kết thúc quá trình xử lý, kim loại lỏng thu hồi đạt mức độ tinh khiết 99,995% và có thể được đưa vào chu kỳ sản xuất mà không gây ra thiệt hại cho môi trường.

Batrec cũng rất coi trọng việc thanh lọc nước thải và khí thải. Khí và nước thải trong quá trình tái chế pin được làm sạch bằng các hệ thống xử lý hiện đại, trước khi được đưa trở lại môi trường. Giám đốc Batrec khẳng định, pin đã qua sử dụng được tìm thấy gần như 100 % trong các sản phẩm mới. Nói cách khác, nhờ  Batrec, pin đã sử dụng sẽ có một đời sống mới hoàn toàn.

Quy trình xử lý pin đã qua sử dụng của Batrec là điển hình về "tái chế xanh", phục hồi lại được các vật liệu một cách có hiệu quả để tái sử dụng, đồng thời mang lại giá trị về mặt kinh tế và môi trường.

Cùng với những dự án như nhà máy đầu tiên trên thế giới thu khí carbon dioxide (CO2) từ không khí để tạo ra nhiệt, đang được vận hành tại Zurich, hay Trung tâm xử lý rác thải tự động hóa hoàn toàn đầu tiên mang tên Sortera, rộng 20.000m² tại bang Geneva, khởi công xây dựng năm ngoái, có thể nói Thụy Sĩ là một trong những "điểm sáng" về nỗ lực bảo vệ môi trường.

Hoàng Hoa (Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ)
Nguy cơ biến mất những dãy núi phủ tuyết tại Thụy Sĩ do nắng nóng
Nguy cơ biến mất những dãy núi phủ tuyết tại Thụy Sĩ do nắng nóng

Thụy Sĩ đang trải qua một đợt nắng nóng cao kể từ ngày 24/6 đến nay, song điều đáng chú ý là đợt nóng này sẽ ảnh hưởng đến các vùng núi của nước này, có nguy cơ làm tan băng tích tụ trong mùa Đông và mùa Xuân vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN