Theo kết quả cuối cùng, 63,7% những người tham gia trưng cầu đã ủng hộ dự luật kiểm soát súng đạn. Về kết quả bỏ phiếu ở các bang, 25 trên tổng số 26 bang của Thụy Sĩ đều chấp thuận dự luật, trừ bang Ticino ở miền Nam bác bỏ với tỷ lệ 54,5%.
Dự luật này được thông qua nhằm siết chặt hoạt động kiểm soát súng đạn ở Thụy Sĩ, một vấn đề đang rất được quan tâm không chỉ tại châu Âu trong bối cảnh nguy cơ khủng bố, cực đoan hay tư tưởng dân túy bạo lực đang là nỗi ám ảnh ở "lục địa già". Đặc biệt, việc Thụy Sĩ chấp thuận cải cách luật về vũ khí nhằm đảm bảo sự đồng nhất trong hệ thống luật pháp giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), với tư cách là quốc gia thành viên liên kết của khối thông qua thỏa thuận Schengen và Dublin, sẽ mang lại nhiều lợi ích. Với những sửa đổi trong luật về vũ khí, Thụy Sĩ đảm bảo duy trì sự hiện diện trong khu vực Schengen, tiếp tục kết nối, trao đổi thông tin trong khuôn khổ Thỏa thuận Schengen, đặc biệt với những thông tin liên quan đến tị nạn và an ninh.
Trước đó, EU đã cảnh báo Thụy Sĩ có nguy cơ bị loại khỏi khối Schengen nếu không sửa đổi luật súng đạn phù hợp với tiêu chuẩn mới của EU. Brussels đã sửa đổi luật sở hữu vũ khí của khối từ 2 năm ngoái sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại châu Âu, dẫn tới việc cấm nhiều loại vũ khí bán tự động.
Dự thảo luật về kiểm soát súng đạn, do Hội đồng Liên bang (Chính phủ) Thụy Sĩ soạn thảo, đảm bảo tuân thủ các quy định của luật kiểm soát súng đạn của EU được liên minh này thông qua hồi tháng 6/2016 sau các vụ tấn công khủng bố tại Pháp, qua đó giảm nguy cơ các loại vũ khí tự động và bán tự động được mua bán dễ dàng trên thị trường "chợ đen" và rơi vào tay tội phạm cũng như khủng bố. Sau quá trình đàm phán với giới chức EU, Chính phủ Thụy Sĩ đã bảo lưu được quyền mua và sở hữu súng của những người yêu thích và chơi bộ môn thể thao bắn súng truyền thống của Thụy Sĩ, nhưng yêu cầu có giấy phép của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, EU cũng chấp nhận các ngoại lệ với các loại súng trường tấn công của quân đội Thụy Sĩ, vốn thuộc loại vũ khí bị cấm sở hữu. Luật sửa đổi vẫn cho phép các công dân được giữ lại súng ở nhà sau khi họ kết thúc thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự và được sử dụng cho môn thể thao bắn súng. Sau khi kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Tổng thống Thụy Sĩ, ông Ueli Maurer, đã hoan nghênh việc người dân thông qua dự luật về kiểm soát súng đạn, đánh giá đây là “quyết định rất thực tế”.
Với việc Thụy Sĩ sửa đổi luật về vũ khí, một số loại súng đạn sẽ phải đăng ký, khai báo với cơ quan hữu quan. Năm 2013, Chính phủ) ước tính số vũ khí được các hộ gia đình tại Thụy Sĩ cất giữ là gần 2 triệu, nhưng không có con số chính xác vì nghĩa vụ đăng ký vũ khí mới chỉ được áp dụng ở Thụy Sĩ từ cuối năm 2008 và không có đăng ký tập trung cho các loại vũ khí. Tuy nhiên, gần một nửa số vũ khí sẽ phải được đăng ký ở các địa phương. Chính phủ ước tính rằng tối đa 10% số vũ khí, tương đương với con số 200.000 vũ khí, sẽ được xếp vào danh sách các vũ khí mà người sở hữu phải khai báo trong tương lai để có thể tiếp tục sở hữu và sử dụng vũ khí.
Còn theo một thống kê được công bố năm 2017, Thụy Sĩ đáng thứ 16 trên thế giới về số lượng vũ khí tư nhân sở hữu, với 2,3 triệu khẩu súng nằm trong tay người dân, đạt tỉ lệ 3 khẩu trên 10 người. Dự luật mới cho phép chính quyền quản lý và kiểm soát chặt chẽ, sát sao các loại vũ khí người dân sở hữu, qua đó tăng cường bảo đảm trật tự, an ninh và an toàn xã hội, ngăn chặn được những nguy cơ phát sinh từ việc buông lỏng quản lý súng đạn, điều đã xảy ra ở không ít quốc gia như Mỹ.
Ở mức độ lớn hơn, kết quả trên còn giúp Thụy Sĩ duy trì quan hệ tốt đẹp với EU. Dù không phải thành viên EU, Thụy Sĩ gắn kết với khối này thông qua một loạt thỏa thuận song phương kết nối rất phức tạp. Nếu dự luật trên không được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân, Thụy Sĩ có thể phải ra khỏi khu vực miễn thị thực Schengen của châu Âu và ra khỏi thỏa thuận Dublin về tiến trình xin tị nạn của châu Âu. Kịch bản này sẽ gây hậu quả lớn về an ninh, tị nạn và du lịch đối với Thụy Sĩ và có thể khiến nước này thiệt hại nhiều tỷ franc Thụy Sĩ mỗi năm.
Kết thúc trưng cầu dân ý về sửa đổi luật về súng đạn cho thấy người dân Thụy Sĩ muốn có quan hệ tốt với châu Âu. Người dân Thụy Sĩ ủng hộ dự thảo luật về kiểm soát súng đạn cũng là ủng hộ cách tiếp cận thực tế trong quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU. Nói cách khác, đây là sự tiếp nối trong chính sách châu Âu của Thụy Sĩ.
Kết quả này cũng phần nào cho thấy Thụy Sĩ là “đối tác đáng tin cậy” và có trách nhiệm. Thụy Sĩ được hưởng lợi từ các thỏa thuận Schengen và Dublin. Đổi lại, Thụy Sĩ cũng sẵn sàng "cho đi" một điều gì đó, ngay cả khi điều này động đến một phần của truyền thống quốc gia, trong trường hợp này là quyền của mỗi công dân được sở hữu vũ khí. Thụy Sĩ là một phần của thế giới, là một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và nếu cần đóng góp, Thụy Sĩ sẵn sàng chia sẻ.
Việc thông qua dự luật kiểm soát súng đạn có thể coi là bước đi "nhất cử, lưỡng lợi" của Thụy Sĩ, phù hợp với xu thế hiện nay.