London không có kế hoạch gửi quân tới chiến đấu với Nga cùng binh sĩ Ukraine, một phát ngôn viên của chính phủ Anh nói với hãng tin TASS ngày 20/3.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông không thể loại trừ sự hiện diện của quân đội NATO trên đất Ukraine, khi cuộc xung đột giữa Kiev và Moskva vẫn tiếp diễn.
Nhà lãnh đạo Pháp ban đầu đưa ra bình luận trên vào cuối tháng 2 và sau đó tăng mạnh hơn lập trường với việc mô tả Nga là một “đối thủ”. Tuy nhiên, ông Macron phủ nhận việc Paris đang "tiến hành một cuộc chiến" chống lại Moskva.
Sau những tuyên bố của Tổng thống Macron, tờ Le Monde đưa tin rằng Pháp đã cân nhắc ý tưởng triển khai quân đội ít nhất từ tháng 6/2023.
Về phần mình, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), Sergey Naryshkin, ngày 19/3 cho biết Paris đang chuẩn bị gửi tới 2.000 binh sĩ tới Ukraine.
Trong khi đó, London không có kế hoạch như vậy - người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với hãng tin TASS. Quan chức này nói thêm rằng binh lính Anh sẽ không “chiến đấu bên cạnh” người Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ ở London đã loại trừ khả năng “triển khai quân sự toàn diện”.
Chính phủ Anh từng nói với các phóng viên vào tháng trước rằng họ sẽ không gửi thêm quân “ngoài số lượng nhỏ nhân sự mà chúng tôi có ở nước này để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine”.
Bình luận về khả năng NATO triển khai lực lượng tới Ukraine, vào đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng điều đó sẽ “chỉ kém một bước so với một cuộc Thế chiến thứ ba toàn diện”.
Sau tuyên bố của ông Macron, nhiều thành viên NATO cũng cho biết họ không có kế hoạch gửi quân tới Ukraine. Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu khẳng định họ không muốn trở thành một bên trong cuộc xung đột nhưng sẽ tiếp tục hỗ trợ vũ khí và tiền bạc cho Kiev “chừng nào còn cần thiết”.
Nga đã nhiều lần lập luận rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây đã khiến các nước NATO trên thực tế trở thành những người tham gia vào cuộc xung đột và làm tăng nguy cơ cuộc chiến leo thang hơn nữa. Ông Putin hồi tháng trước cho biết Moskva không có ý định tấn công các thành viên NATO, trừ khi nước này bị tấn công trước.
Đầu tháng 3, nhà lãnh đạo Nga đã tham gia một cuộc phỏng vấn với nhà báo Dmitry Kiselyov, trong đó ông cảnh báo rằng việc Mỹ triển khai một lực lượng quân sự đáng kể tới Ukraine sẽ là “ranh giới đỏ” đối với Điện Kremlin. Một kịch bản như vậy là không thể chấp nhận được, và Moskva đã sẵn sàng nếu Mỹ cố tình thách thức. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân và coi kho vũ khí của mình “tiên tiến hơn bất kỳ ai khác”. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định vũ khí huỷ diệt hàng loạt chưa bao giờ được Moskva triển khai ở Ukraine trong cuộc xung đột.
“Vũ khí tồn tại để sử dụng. Chúng tôi có những nguyên tắc riêng của mình và chúng ngụ ý rằng chúng tôi sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả những loại mà anh đã đề cập, khi nói về sự tồn tại của nhà nước Nga, trong trường hợp có mối đe dọa đối với chủ quyền và độc lập của chúng tôi”, ông nói rõ.
Bình luận về cuộc phỏng vấn trên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tuyên bố phương Tây không gây ra mối đe doạ nào đối với Nhà nước Nga, đồng thời cáo buộc Tổng thống Putin đã có những lời lẽ leo thang.