Tiến sĩ Matthews Oliver của Đại học Toronto ở Canada cùng các cộng sự đã phân tích bệnh án của 13.759 bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong khoảng thời gian từ ngày 21/12/2020 đến ngày 30/6/2021. Trong số những người này, 17% chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 và 83% đã tiêm ít nhất một liều vaccine mRNA ngừa COVID-19. Nghiên cứu được tiến hành đối với toàn bộ các bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở bang Ontario của Canada, trong đó có một nhóm người đến từ nhiều cộng đồng và những người điều trị tại nhà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số này có 663 người mắc COVID-19, 323 người phải nhập viện và 94 người tử vong do COVID-19 trong giai đoạn nghiên cứu này. So sánh với nhóm những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, những bệnh nhân chạy thận đã tiêm 1 liều vaccine mRNA ngừa COVID-19 giảm được tới 41% nguy cơ mắc COVID-19 và nguy cơ tiến triển thành bệnh nặng cần phải nhập viện hoặc gây tử vong giảm 46%. Ngoài ra, những người chạy thận nhân tạo đã tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 giảm được tới 69% nguy cơ mắc bệnh và 83% nguy cơ bệnh trở nặng nếu họ bị nhiễm.
Trong nhóm những người chạy thận chưa tiêm chủng, nguy cơ nhập viện của những người nhiễm bệnh là 52%, tỷ lệ tử vong là 16% trong khi nguy cơ nhập viện ở nhóm bệnh nhân đã tiêm 2 liều vaccine là 30% với tỷ lệ tử vong là 10%. Ngoài ra, không có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của vaccine theo các nhóm tuổi, cách chạy thận hay loại vaccine ngừa COVID-19.
Trong một tuyên bố, Tiến sĩ Oliver nêu rõ: "Các chính phủ và các trung tâm y tế ở nhiều nước, trong đó có Mỹ và Canada, đã ưu tiên tiêm chủng ngừa COVID-19 sớm cho các bệnh nhân chạy thận. Chiến lược này là đúng đắn và quan trọng vì kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tiêm hai liều vaccine mRNA ngừa COVID-19 giúp bảo vệ đáng kể các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, ngăn chặn nhiều ca phải nhập viện và tử vong, qua đó giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình họ và hệ thống y tế". Ông nhấn mạnh mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 đối với những người chạy thận nhân tạo không cao như với nhóm dân số nói chung, nhưng vẫn là "lá chắn" hữu hiệu.