Liệu tiền kỹ thuật số có thể thân thiện hơn với môi trường?

Một nhà máy thủy điện ở Costa Rica đã được chuyển đổi thành nơi khai thác tiền điện tử xanh. Câu hỏi được đặt ra là liệu các loại tiền điện tử tiêu tốn nhiều năng lượng như Bitcoin có thể tương thích với mục tiêu khí hậu?

Chú thích ảnh
Nhà máy thủy điện Poas I đã trở thành nơi khai thác tiền kỹ thuật số. Ảnh: DW

Kênh DW (Đức) cho biết vào cuối năm 2020, sau 30 năm hoạt động, các turbine tại nhà máy thủy điện Poas I ở khu vực Central Valley (Costa Rica) đã ngừng vận hành.

Viện Điện lực Costa Rica đã từ chối đề nghị của Eduardo Kopper, quản lý Poas I, về việc bán năng lượng của nhà máy thủy điện này bởi nước này đã dư thừa năng lượng tái tạo. Ông Kopper nói: “Đó là một tình huống đáng lo ngại. Chúng tôi đã cố gắng ít nhất cũng duy trì được các lao động”.

Sau đó ông Kopper biết đến Bitcoin. Ông bỗng nảy ra ý tưởng chuyển năng lượng xanh từ nhà máy của mình thành tiền kỹ thuật số. Vào tháng 4/2021, sau 3 tháng ngừng hoạt động, Poas I trở lại với vai trò trung tâm khai thác tiền kỹ thuật số bằng năng lượng tái tạo.

Nhưng ông Kopper không phải là người duy nhất áp dụng ý tưởng này. Tại châu Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ, nhiều người cũng bắt tay vào việc tạo “Bitcoin xanh”.

Một số công ty khai thác tiền kỹ thuật số lớn của Mỹ như Bitfarms và Neptune Digital Assets đều quảng bá hoạt động của họ là “thân thiện môi trường”. Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Brazil đang tranh cãi về việc miễn thuế với khai thác tiền kỹ thuật số sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhưng không phải mọi ý kiến đều coi khai thác xanh là một giải pháp đôi bên cùng có lợi. Nhà kinh tế học và chuyên gia Bitcoin Alex de Vries đánh giá việc sử dụng năng lượng tái tạo quý giá dành cho khai thác tiền kỹ thuật số thay vì các lĩnh vực cung cấp việc làm và các lợi ích kinh tế khác cho nền kinh tế quốc gia, có thể là một vấn đề.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Bitcoin trên một xe điện ở Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AP

Năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã cấm mọi hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số một phần bởi vì việc tiêu tốn năng lượng của loại tiền này. Thụy Điển trong khi đó đã đề nghị Liên minh châu Âu cấm khai thác tiền kỹ thuật số đồng thời cho rằng việc chuyển hướng năng lượng tái tạo có thể đặt các mục tiêu khí hậu vào tình trạng nguy hiểm.

Ông Alex de Vries cho rằng trên toàn cầu, làn sóng khai thác tiền kỹ thuật số bằng năng lượng xanh sẽ không có nhiều tác động đến dấu chân carbon khổng lồ mà tiền kỹ thuật số gây ra.

Sau khi Trung Quốc cấm khai thác tiền kỹ thuật số, các hoạt động liên quan đến loại tiền này chuyển hướng sang những quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Vào tháng 8/2020, Mỹ là nơi diễn ra 5% quá trình khai thác Bitcoin toàn cầu. Một năm sau đó, con số này tăng lên 35%.

Texas được coi là “thủ đô tiền kỹ thuật số”. Một công ty công nghệ tại Texas có tên Lancium quảng bá khai thác tiền kỹ thuật số bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dù có những dự án như Lancium thì hầu hết nguồn cung năng lượng tại Texas vẫn bắt nguồn từ than đá và khí đốt.

Theo ông Alex de Vries, giải pháp tốt hơn là khiến tiền kỹ thuật số bớt tiêu tốn năng lượng.

Hà Linh/Báo Tin tức
Điểm danh các nước cấm lưu hành, giao dịch tiền kỹ thuật số
Điểm danh các nước cấm lưu hành, giao dịch tiền kỹ thuật số

Quy định về đồng tiền kĩ thuật số luôn gây tranh cãi kể từ khi đồng Bitcoin ra đời năm 2009. Địa vị pháp lý của tiền số khác biệt ở mỗi nước và thậm chí có thay đổi lớn ngay trong phạm vi một nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN