Liệu hệ thống y tế Singapore có đủ để đối phó số ca mắc COVID-19 tăng vọt?

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tại Singapore đã tăng gấp 6 lần kể từ đầu tháng do sự bùng nổ dịch bệnh tại những khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế trang bị đồ bảo hộ khi chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Singapore. Ảnh: ST

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ngày 18/4, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 942 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ. Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục ở quốc gia này. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Singapore tới hết ngày 19/4 là 6.588 người, nhiều ca nhiễm nhất ở Đông Nam Á.

Các nhà chức trách được cho là đang nỗ lực hết sức để đảm bảo hệ thống y tế quốc gia có thể chịu được trước sức ép số lượng bệnh nhân ngày một tăng.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết hiện tại các bệnh viện vẫn có thể xử lý được tình hình song ông lo ngại về một viễn cảnh khi số bệnh nhân nhập viện bỏ xa số người hồi phục và xuất viện.

Tính đến ngày 18/4, Singapore ghi nhận tổng cộng 2.563 người mắc COVID-19 đang chữa trị trong bệnh viện và 2.678 người khác ở trong các cơ sở cách ly cộng đồng. Trong số người từng mắc COVID-19, mới có 740 người hồi phục hoàn toàn.

Theo dữ liệu chính thức, năm ngoái Singapore có 11.321 giường bệnh cấp tính (giường cho bệnh nhân điều trị trong thời gian ngắn) tại các bệnh viện công và tư. Tháng trước, 8 bệnh viện công đã kín 3/4 các giường. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chỉ có 802 trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2 và 1/4 trong số những bệnh nhân này hồi phục, một số người ở các cơ sở cách ly và 420 người còn chữa trị tiếp.

Giáo sư Teo Yik Ying, Trưởng khoa của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết các bệnh viện tại Singapore sẽ sớm kín bệnh nhân. Phó giáo sư cùng trường Jeremy Lim dẫn ra số liệu tuần trước, 2.000 trường hợp mắc COVID-19 đã nhập viện “chiếm hơn 15% giường bệnh của cả nước”.

Mối lo ngại hiện này là còn bao nhiêu ca mắc mới nữa trong cộng đồng người lao động nước ngoài. Cộng đồng này có khoảng 323.000 người sinh sống tại 43 khu ký túc lớn và 1.200 ký túc nhỏ trên khắp Singapore. Tính đến ngày 18/4, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng người lao động nhập cư là 4.162 người, chiếm gần 70% số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của Singapore.

Chú thích ảnh
Lao động nước ngoài được kiểm tra y tế nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 8/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh được cho là dễ lây lan trong các khu ký túc do điều kiện sinh hoạt ở đây chật chội, với 12 đến 20 người ở chung một phòng. Hiện Chính phủ Singapore đang tích cực xét nghiệm cho người lao động nhập cư ở đây, khi chỉ vài ngày qua, số người được xét nghiệm lên tới 5.000.

Giáo sư Teo cho biết sức ép lên bệnh viện công giảm bớt được một phần là do các bệnh viện tư tiếp nhận những ca mắc có triệu chứng nhẹ hơn, trong khi những cơ sở cách ly mới thành lập cũng hỗ trợ chăm sóc để người mắc bệnh hồi phục hoàn toàn.

“Đây là một quy trình hàng ngày được quản lý tập trung để chữa trị những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn và giúp hồi phục bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện công để giải phóng giường bệnh”, Giáo sư Teo giải thích.

Khu nghỉ dưỡng D’Resort NTUC tại Pasir Ris đã được chuyển đổi sang thành một cơ sở cách ly cộng đồng với chỗ chữa lên tới 500 bệnh nhân. Hai trung tâm triển lãm tại Singapore Expo Convention và Exhibition Centre cũng được chuyển đổi tương tự, có sức chức 950 bệnh nhân. Cơ sở cộng đồng Bệnh viện Bright Vision đã chuyển các bệnh nhân trước đó của mình đến các cơ sở khác để đón nhận khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19.

Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong ngày 14/4 thừa nhận nguồn tài nguyên chăm sóc sức khỏe tại Singapore đang gồng mình trước số lượng các ca nhiễm mới tăng vọt, tuy nhiên ông tiếp tục đưa ra lời trấn an “Chúng ta vẫn có thể xử lý được”.

Ying-Ru Lo, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách Malaysia, Brunei và Singapore, cho rằng phản ứng y tế của quốc đảo này phần nào cho thấy thành công vì mục tiêu của họ là “ngăn chặn các ca tử vong”. Đến thời điểm hiện tại, Singapore chỉ có 11 người tử vong vì dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 5/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng giường bệnh không phải là yếu tố hạn chế duy nhất trong cuộc chiến chống sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. 

Phó giáo sư Hsu Li Yang, trưởng ban chương trình về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng NUS Saw Swee Hock, chỉ ra tùy thuộc vào mỗi chiến lược, các yếu tố hạn chế khác có thể bao gồm thuốc cho xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase, cơ sở thí nghiệm, máy thở và nhân viên y tế.

Mối đe dọa lớn hơn xảy ra trong trường hợp ngày càng có nhiều đối tượng thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội măc bệnh, cụ thể như những người cao tuổi ở các viện dưỡng lão cần được chăm sóc y tế nhiều hơn và không thể ở các cơ sở cách ly.

Ông Leong, bác sĩ tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cho biết những người cần được chăm sóc đặc biệt sẽ cần máy thở và giường chăm sóc tích cực - những thứ khó mở rộng số lượng so với giường bệnh cho người có triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Asok Kurup, làm cùng bệnh viện, Singapore cũng đã lên kế hoạch ứng phó với máy thở, với số lượng vượt quá hàng trăm chiếc.

Số lượng nhân viên y tế cũng được cho là phải huy động nhiều hơn trong thời gian tới. Ngày 8/4, Bộ Y tế Singapore đã đề nghị các cựu y tá, bác sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác đang hành nghề tư nhân chung tay hỗ trợ. Chỉ trong một ngày, 1.100 người đăng ký tham gia.

Một trong những hạn chế trong y tế mà Singapore có thể phải đối mặt là thuốc dùng cho bệnh nhân và đồ bảo hộ cho nhân viên y tế. Tương tự nhiều quốc gia, Singapore sử dụng các loại thuốc kết hợp để điều trị các trường hợp nặng, như Lopinavir và Ritonavir thường được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm HIV. Bác sĩ Kurup cho biết mặc dù vẫn còn một số nguồn cung cấp, nhưng ông sợ số lượng sẽ không đủ nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. 

Singapore không phải là trường hợp ngoại lệ khi nói đến các vật dụng bảo vệ cá nhân như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ… Do các lệnh cấm xuất khẩu cũng như hạn chế về vận chuyển mà chuỗi cung ứng các đồ bảo vệ y tế trên toàn cầu bị tắc nghẽn. Ông Matt Zafra – trưởng ban khoa học và sức khỏe tại công ty tư vấn châu Á-Thái Bình Dương Oliver Wyman – cho rằng hệ thống y tế các quốc gia tiếp tục “phải làm phẳng đường cong của đại dịch” để có thời gian tìm các nguồn cung thay thế.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tình hình COVID-19 hết 19/4 tại ASEAN: Toàn khối 1.144 người tử vong, Singapore nhiều ca mắc bệnh nhất khu vực
Tình hình COVID-19 hết 19/4 tại ASEAN: Toàn khối 1.144 người tử vong, Singapore nhiều ca mắc bệnh nhất khu vực

Hết ngày 19/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 28.200 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.100 người tử vong. Singapore tiếp tục chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và hiện đã trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh nhất trong ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN