Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit ủng hộ các nỗ lực của Kuwait nhằm hòa giải căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh. Ảnh: EPA/TTXVN |
Theo người phát ngôn AL Mahmoud Afifi, TTK Gheit đưa ra phát biểu trên trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Kuwait Sabah Al-Khaled Al-Sabah tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Hai bên cũng thảo luận những diễn biến mới liên quan tình hình tại Palestine, Yemen, Syria, Libya và Iraq cũng như tình hình tài chính của AL.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, Ngoại trưởng Kuwait tới Cairo để thảo luận với giới lãnh đạo Ai Cập về cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Qatar với nhóm 4 nước Arab và vùng Vịnh, gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. Trước đó, cùng ngày, ông Al-Sabah đã có các cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fatah al-Sisi và Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry để thảo luận một loạt vấn đề song phương và khu vực, nhất là căng thẳng giữa Qatar và các nước Arab. Ông Al-Sabah thông báo cho Tổng thống Sisi về những nỗ lực của Kuwait nhằm duy trì một cộng đồng Arab thống nhất, giải quyết căng thẳng và tiến tới một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Về phần mình, Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó với các chính sách hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của quy chế phối hợp hiện nay giữa Ai Cập và Kuwait về tất cả các vấn đề vì lợi ích chung, cũng như tăng cường hợp tác giữa hai nước. Trong khi đó, Ngoại trưởng Shoukry cho biết Ai Cập sẽ theo đuổi các biện pháp hiện nay cho tới khi Doha đáp ứng bản yêu sách của 4 nước Arab và vùng Vịnh. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng đánh giá cao vai trò hòa giải của Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Hơn một tháng sau khi liên minh các nước Arab và vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar đồng thời phong tỏa nước này về kinh tế, với cáo buộc Doha bảo trợ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách can thiệp nhằm gây bất ổn trong khu vực, các bên vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết cho mối bất hòa nghiêm trọng hiện nay.
Ngày 17/7, phát biểu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia tại London (Anh), Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho rằng cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay đã vượt quá tầm ảnh hưởng của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đồng thời nhấn mạnh nhu cầu "cần phải kết thúc các hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Arab". Ông Gargash chỉ trích "vấn đề căn bản" hiện nay là mối liên hệ giữa Qatar với các tư tưởng cực đoan và việc nước này "chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các cá nhân và chủ nghĩa khủng bố, một số trong đó có liên hệ với al-Qaeda". Quan chức này cũng khẳng định UAE đang tìm kiếm một giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng và ngoại giao là con đường duy nhất mà nước này theo đuổi.
Trong khi đó, UAE tiếp tục bác bỏ thông tin nước này đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Qatar. Tuyên bố của Đại sứ UAE tại Washington, ông Yousef Al Otaiba nhấn mạnh bài báo đăng tải trên tờ Washington Post (Mỹ) là "không đúng sự thật" và khẳng định UAE "hoàn toàn không có liên quan" tới vụ tấn công mạng nhằm vào hãng tin nhà nước Qatar vốn châm ngòi cho rạn nứt ngoại giao giữa Doha và các nước láng giềng.
Tờ Washington Post ngày 16/7 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết UAE đã tổ chức vụ tấn công các trang tin tức và mạng xã hội của Qatar hồi cuối tháng 5, theo đó đăng tải các tuyên bố sai sự thật gây ra mâu thuẫn ngoại giao.
Theo nguồn tin trên, các quan chức hàng đầu trong Chính phủ UAE đã thảo luận về kế hoạch tấn công mạng ngày 23/5, và một ngày sau đó trên trang web của Hãng Thông tấn Qatar xuất hiện bài báo dẫn phát biểu của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani với nội dung được cho là ca ngợi Iran và phong trào Hồi giáo Hamas. Hãng Thông tấn Qatar đã nhanh chóng tuyên bố bị tin tặc tấn công mạng và đã gỡ bỏ bài báo. Tuy nhiên, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt chặn các kênh truyền thông của Qatar và sau đó cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này.