Đây là số liệu được đưa ra trong báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) được công bố ngày 11/7.
Trong số 23.982 vụ vi phạm nghiêm trọng, 22.645 vụ vi phạm xảy ra vào năm 2021 và 1.337 vụ vi phạm trước đó nhưng đã được xác minh vào năm 2021. Trong số trẻ em bị ảnh hưởng có 13.633 trẻ em trai, 5.242 trẻ em gái, 290 trẻ em không rõ giới tính. Báo cáo cho biết số lượng vi phạm cao nhất khiến 8.070 trẻ em bị sát hại và bị thương nghiêm trọng, tiếp theo là tuyển dụng và sử dụng 6.310 trẻ em và 3.945 trường hợp từ chối tiếp cận nhân đạo.
Xung đột leo thang, sự gia tăng của các thành phần vũ trang, việc sử dụng bom mìn, thiết bị nổ tự chế, vật liệu nổ và vũ khí nổ còn sót lại sau chiến tranh ở các khu vực đông dân cư, khủng hoảng nhân đạo gia tăng, vi phạm luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền quốc tế đã có tác động nghiêm trọng đến việc bảo vệ trẻ em. Theo báo cáo, các cuộc xung đột xuyên biên giới và bạo lực giữa các cộng đồng đã ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt là ở khu vực Sahel và lưu vực hồ Chad, trong khi các cuộc đảo chính và thôn tính làm trầm trọng thêm tình hình trẻ em ở Afghanistan, Burkina Faso, Mali, Myanmar và Sudan.
Báo cáo cũng cho biết số vụ vi phạm nghiêm trọng cao nhất đã được xác minh ở Afghanistan, CHDC Congo, Israel và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, Somalia, Syria và Yemen. Số vụ bắt cóc tăng hơn 20% và các vụ bạo lực tình dục đối với trẻ em tiếp tục tăng hơn 20% vào năm ngoái. Số vụ tấn công vào trường học và bệnh viện tăng 5% trong bối cảnh trường học đóng cửa, quân đội sử dụng trường học và coi thường quyền được giáo dục và sức khỏe của trẻ em. Hơn 25% thương vong ở trẻ em là do các thiết bị nổ tự chế, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và bom mìn, với tổng số thương vong là 2.257 trẻ em.
Trong khi 70% trẻ em chịu ảnh hưởng của các vụ vi phạm nghiêm trọng là trẻ em trai. Số vụ vi phạm ảnh hưởng đến trẻ em trai đã giảm xuống, song số trẻ em gái bị sát hại và hành xác, hoặc bị bắt cóc và bạo lực tình dục, lại tăng lên, đặc biệt là ở lưu vực hồ Chad. Báo cáo cho biết các trường hợp bạo lực tình dục tiếp tục được báo cáo rất thấp do sự kỳ thị, sợ bị trả thù, các chuẩn mực xã hội độc hại, không bị trừng phạt, thiếu tiếp cận nhân đạo và các mối quan ngại về an toàn.
Bà Virginia Gamba, đại diện đặc biệt về trẻ em và xung đột vũ trang của Tổng Thư ký LHQ, cho biết ngoài công việc và nỗ lực của tất cả các đối tác, chìa khóa cuối cùng để chấm dứt và ngăn chặn các hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em, chắc chắn là hòa bình. Bà nhấn mạnh giải quyết các cuộc xung đột theo giải pháp hòa bình, tìm kiếm điểm chung và đối thoại, vẫn là cách nhanh nhất và tối ưu nhất để giảm thiểu và cuối cùng chấm dứt mọi vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em.