Bảo vệ quyền trẻ em là một ưu tiên lớn của Hội đồng Nhân quyền LHQ khi hằng năm đều dành riêng cả một ngày (1/7) trong chương trình làm việc của khóa họp cho chủ đề này. Bảo vệ quyền trẻ em là một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam, trong đó chủ đề bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang và tái thiết hậu xung đột cũng là một ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021.
Về trẻ em trong xung đột vũ trang, tại phiên đối thoại chiều 2/7, Đặc phái viên của TTK LHQ về trẻ em trong xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba cho biết trong năm ngoái, trẻ em tiếp tục là nạn nhân của chiến tranh và xung đột tại nhiều nơi trên thế giới. Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em gia tăng mạnh so với năm 2018. Trẻ em tiếp tục là nạn nhân của bạo lực, buôn bán người, lạm dụng tình dục, bị ép làm lính đánh thuê, bị các nhóm vũ trang giam giữ, không được tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế tối thiểu. Tình trạng này trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các phát biểu của đại diện các nước, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và các tổ chức phi chính phủ đều hoan nghênh báo cáo của bà Gamba, đồng thời nhấn mạnh kêu gọi các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo; lồng ghép bảo vệ quyền trẻ em trong quá trình đàm phán hòa bình và tái thiết hậu xung đột; khuyến nghị các quốc gia nâng cao nhận thức và cam kết bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang; cải thiện hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế pháp lý trừng trị các thủ phạm; tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền và pháp luật quốc tế về quyền trẻ em và trẻ vị thành niên; sớm phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Công ước của LHQ về quyền của trẻ em (CRC) trong xung đột vũ trang.
Đại diện Việt Nam phát biểu tại phiên Đối thoại với Đặc phái viên của TTK LHQ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, nhấn mạnh trên cơ sở cam kết của Việt Nam và từ thực tiễn nhiều thập kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam luôn quan tâm và ưu tiên bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang. Bà bày tỏ quan ngại và lên án các hành vi bạo lực và vi phạm quyền trẻ em, đồng thời khẳng định thiện chí hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đại sứ kêu gọi các bên liên quan tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp nhân đạo quốc tế và CRC để bảo vệ dân thường, đặc biệt là trẻ em trong xung đột vũ trang; có các biện pháp thiết thực để giảm thiểu tác động tiêu cực của xung đột vũ trang đối với trẻ em; từng bước tìm giải pháp cơ bản giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, hòa giải dân tộc và phát triển bền vững, đặc biệt là thúc đẩy tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em từng tham gia các nhóm vũ trang.
Về tác động của môi trường đến quyền trẻ em, hằng năm có khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thiệt mạng do ô nhiễm môi trường và 12 triệu trẻ em ở các nước đang phát triển bị bệnh não do ngộ độc chì. Đại dịch COVID-19 cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tác nhân môi trường và đe dọa trẻ em trên toàn thế giới, nhất là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em thuộc các nhóm thiểu số và ở các vùng xa xôi. Những thánh thức nghiêm trọng này đòi hỏi tất cả các quốc gia và toàn xã hội phải nâng cao nhận thức, hành động bảo vệ quyền được sống trong môi trường lành mạnh và thúc đẩy chính sách bảo vệ quyền trẻ em theo Công ước CRC.
Báo cáo viên đặc biệt David R. Boyd và các chuyên gia đại diện của UNICEF và WHO khẳng định trẻ em tuy bị ảnh hưởng nhiều bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu nhưng cũng là chủ thể thúc đẩy các biện pháp ứng phó. Ông nhấn mạnh thế giới cần lắng nghe tiếng nói của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Trong phiên đối thoại, nhiều quốc gia khẳng định trách nhiệm chính của chính phủ các nước trong lĩnh vực bảo đảm quyền của trẻ em cũng như quyền con người được sống trong môi trường trong sạch; kêu gọi hợp tác sâu rộng hơn giữa chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực, đoàn kết và hợp tác quốc tế để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và quyền trẻ em về môi trường, góp phần thiết thực triển khai Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.