Chống đói nghèo vì quyền trẻ em

Cứ 5 trẻ em trên thế giới có một trẻ sống ở ngưỡng cực nghèo, tỉ lệ trẻ sống ở mức nghèo cao gấp hai lần so với người lớn. Gần 50% số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em.

Khoảng 663 triệu trẻ dưới 18 tuổi là người nghèo đa chiều (nghèo đói được xác định không chỉ đơn giản bởi tiêu chí thu nhập, mà còn xét đến các yếu tố như sức khỏe kém, các mối đe dọa bạo lực..), chiếm gần một nửa trong số 1,3 tỷ người thuộc nhóm này. Gần 50% trong tổng số ca tử vong ở trẻ em hằng năm tại châu Phi bắt nguồn từ tình trạng thiếu lương thực trầm trọng... 

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. Ảnh: AFP/TTXVN

Những con số nhức nhối mà Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố năm 2019, khi mà thế giới đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn và sự phát triển khoa học công nghệ vượt trội đáng kinh ngạc, càng như một hồi chuông cảnh báo rằng con người vẫn chưa thể giải quyết thách thức tồn tại dai dẳng lâu nay là đói nghèo.

Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đói nghèo vẫn đeo bám nhiều cộng đồng và khu vực, nguy hiểm hơn, số người rơi vào cảnh đói nghèo sau nhiều thập niên giảm đã tăng trở lại từ năm 2015, mà trẻ em là nhóm chịu nhiều rủi ro nhất.

“Cùng nhau hành động để trao quyền cho trẻ em, gia đình và các cộng đồng nhằm chấm dứt đói nghèo”, chủ đề của “Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo” 2019, không chỉ một lần nữa hối thúc thế giới tập trung nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng đói nghèo ở trẻ em, mà còn muốn nhấn mạnh rằng đây là một trong những yêu cầu cơ bản để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em, cũng chính là sự phát triển bền vững của xã hội trong tương lai.

Năm nay đánh dấu 30 năm Công ước LHQ về quyền trẻ em (UNCRC) được thông qua. Công ước mang tính bước ngoặt về quyền con người này khẳng định mỗi trẻ em đều có quyền được hưởng mức sống phù hợp với phát triển thể chất, tinh thần, đạo đức và xã hội, được bảo vệ và chăm sóc... Tuy nhiên, thực trạng đói nghèo lại đang làm tổn thương sự phát triển của trẻ, dẫn đến thu nhập thấp và sức khỏe kém khi trưởng thành, trẻ bị hành hạ, lạm dụng...

Nói cách khác, chính đói nghèo đã cướp đi của trẻ em những quyền cơ bản nhất, từ quyền được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển, quyền được chăm sóc nuôi dưỡng để phát triển toàn diện, quyền được sống chung với cha mẹ và được cha mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục... đến quyền được giáo dục học tập, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi....

Trong số 1,46 tỷ người chịu cảnh đói nghèo hiện nay, thì có 689 triệu là trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 17. Trên 1,3 triệu trẻ em tại Sahel - khu vực gồm các quốc gia nằm sát phía Nam sa mạc Sahara, đang bị nạn đói giày vò và con số này đã tăng tới 50% so với năm 2017. Các quốc gia có nhiều trẻ em đói trầm trọng nhất bao gồm Burkina Faso, CH Chad, Mali, Mauritania, Niger và Senegal.. Đáng chú ý, tại các nước giàu có nhất, cứ 4 em lại có 1 em sống trong đói nghèo.

Đói nghèo là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm lớn và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) ước tính hiện có khoảng 149 triệu trẻ em trên toàn thế giới được xác định chậm phát triển vì suy dinh dưỡng. Mỗi năm lại có 3,1 triệu trẻ em tử vong do suy sinh dưỡng.

Trẻ em là đối tượng mang gánh nặng lớn nhất của tình trạng đói nghèo, khiến các em nhanh chóng rơi vào tình trạng nghèo đa chiều, đồng nghĩa thiếu hụt cơ hội được đáp ứng ở mức tối thiểu các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, không được thụ hưởng các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội và do vậy bị tước đi các quyền con người cơ bản.

Báo cáo của UNDP cho thấy, trên toàn thế giới, tỷ lệ nghèo đa chiều ở trẻ em là 1/3, trong khi ở người lớn là 1/6. Phần lớn những đứa trẻ này, khoảng 85%, sống ở Nam Á và châu Phi cận Sahara, với tỷ lệ gần như bằng nhau giữa hai khu vực. Bức tranh này đặc biệt đáng báo động ở Burkina Faso, Chad, Ethiopia, Nigeria và Nam Sudan, nơi 90% trẻ em dưới 10 tuổi sống trong cảnh nghèo đói đa chiều.

Trong số khoảng hơn 1,2 tỷ trẻ em trên toàn cầu phải đối mặt với một trong ba mối đe dọa lớn gồm: nghèo đói, xung đột và phân biệt đối xử, thì có tới 153 triệu em phải đối mặt với cả 3 mối đe dọa trên. Đói nghèo cũng khiến 6/10 trẻ em trên toàn cầu không được tiếp cận với dịch vụ y tế và an sinh xã hội, khiến số này trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ rơi vào nạn đói nghèo kinh niên.

Nghèo đói vẫn là rào cản lớn nhất đối với giáo dục toàn cầu. Cùng với bạo lực, nghèo đói là nguyên nhân khiến 303 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tới trường. Trẻ em trong các gia đình hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học cao gấp 4 lần so với bạn bè trang lứa thuộc gia đình khá giả.

Mục tiêu chấm dứt nạn bóc lột lao động trẻ em ngày càng khó khăn khi nghèo đói buộc khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi 5 - 17 phải  làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh..., tập trung ở ngành nông nghiệp (70,9%). Phần lớn trong số hơn 1 triệu trẻ em là nạn nhân của các mạng lưới buôn người trên toàn cầu mỗi năm, là thành viên các gia đình nghèo...

Thực trạng trên đang làm xói mòn những thành quả và nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu, bất chấp từ những năm 1990, đói nghèo vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi chương trình nghị sự phát triển của LHQ, và sau 15 năm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi đói nghèo.

Năm 2015, các nước thành viên LHQ tiếp tục thông qua chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó mục tiêu xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Chấm dứt tình trạng nghèo  trong tất cả mọi hình thức ở mọi nơi và chấm dứt nạn đói là hai mục tiêu đầu tiên trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

Hướng tới mục tiêu này, Đại Hội đồng LHQ đã tuyên bố giai đoạn 2018-2027 là Thập kỷ thứ ba của LHQ trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo. Với chủ đề “Đẩy nhanh hành động toàn cầu vì một thế giới không đói nghèo”, trọng tâm của chương trình là một kế hoạch hành động xóa đói giảm nghèo có sự phối hợp của nhiều cơ quan, hệ thống các quốc gia, cũng như những nỗ lực của LHQ.

Kế hoạch này dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hẹp bất bình đẳng, xóa bỏ việc phân biệt đối xử, tạo điều kiện tham gia và trao quyền cho những người bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, do tốc độ xóa đói giảm nghèo chậm lại, LHQ cảnh báo thế giới có nguy cơ không hoàn thành mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là xung đột gia tăng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Ngoài ra, chính sách thiếu hiệu quả, cũng như tình trạng thiếu nguồn tài trợ quốc tế cũng là những yếu tố khiến cuộc chiến chống đói nghèo chậm về đích.

Trong bối cảnh còn nhiều rào cản liên quan đến xung đột, thiên tai, năng lực chính sách, các nước cần chung tay hỗ trợ nhau cả về tài chính lẫn kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ với LHQ để chống đói nghèo, mà trước hết là để không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Đặng Ánh (TTXVN)
Cảnh báo chế độ ăn uống kém dinh dưỡng gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em
Cảnh báo chế độ ăn uống kém dinh dưỡng gây tổn hại đến sức khỏe trẻ em

Tại Việt Nam, cứ ba trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân. Số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và hệ thống thực phẩm không đáp ứng được nhu cầu của trẻ đang tăng cao một cách đáng báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN