Liên hợp quốc kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu càng sớm càng tốt 

Ngày 6/6, tại thành phố Bonn (miền Tây nước Đức), đại diện đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã khởi động các cuộc đàm phán về khí hậu nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông nước Pháp. Ảnh (tư liệu) minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN  tại Đức, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn thảm họa môi trường toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng cấp bách.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa đã kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp và tiến hành các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt. Bà Espinosa nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tất cả các bạn, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn và thách thức này, không nản chí hay tuyệt vọng mà cùng nỗ lực và đoàn kết để chống biến đổi khí hậu... Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước”.

Theo bà Espinosa, trọng tâm chính của hội nghị năm nay là việc thực hiện những hành động đã được đưa ra kể từ hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) năm ngoái. Trong đó, các vấn đề cụ thể mà đại diện các nước sẽ thảo luận trong 10 ngày tại Bonn chủ yếu liên quan đến viện trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp và đang phát triển hiện đang phải chật vật ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận việc các quốc gia dự kiến ban hành luật, chính sách và chương trình để đưa vào thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015, với nội dung chính là hạn chế mức tăng nhiệt của Trái Đất ở ngưỡng dưới 2 độ C, cũng như nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là ở ngưỡng dưới 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Mặc dù vậy, một báo cáo mang tính bước ngoặt trong năm nay đã kết luận rằng cần phải có hành động ngay lập tức vì bất kỳ sự chậm trễ nào đều khiến thế giới “bỏ lỡ cơ hội rất gần để đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người”.

Tháng 12/2015, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại COP 21 diễn ra ở Paris (Pháp), trở thành một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.

Sau 3 năm nỗ lực triển khai, năm 2019, thế giới đã chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris, trong khi COP 25 tại Madrid (Tây Ban Nha) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Mọi hy vọng sau đó đặt vào COP 26, dự kiến diễn cuối năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến hội nghị quan trọng này không được tổ chức đúng kế hoạch. 

Sau một năm bị trì hoãn, COP 26 đã khai mạc trong bối cảnh thiên tai và thảm họa liên quan đến thời tiết và khí hậu đã tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước.

Thư ký điều hành UNFCCC Patricia Espinosa đã bày tỏ hy vọng rằng hội nghị COP27, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh của Ai Cập, sẽ là bước ngoặt hành động vì khí hậu.

Phương Hoa (TTXVN)
G7 tăng mạnh tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu
G7 tăng mạnh tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 27/5, các bộ trưởng khí hậu, môi trường và năng lượng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc hội nghị kéo dài hai ngày tại Berlin (Đức), với việc lần đầu tiên cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN