Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm trì hoãn hành động chống biến đổi khí hậu, các cuộc thảo luận nhấn mạnh sự cấp bách đối với chính phủ các nước và các doanh nghiệp trên toàn cầu trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng. Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận tại Davos cho rằng việc bảo vệ thiên nhiên và khí hậu cần được quan tâm hàng đầu, nhất là trong bối cảnh chỉ còn vài năm nữa để thay đổi hướng đi, tránh việc các cơ hội bị bỏ qua.
Đầu tư vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án "1.000 tỷ cây xanh" và nhiều dự án khác cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính rằng thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển sẽ tiêu tốn 127 tỷ USD mỗi năm.
Khoảng 14 trong số 25 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tình trạng biến đổi khí hậu cũng chính là những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, làm suy yếu khả năng thích ứng của họ. Các nhà hoạch định chính sách cũng như các tổ chức nhân đạo, khu vực tư nhân cần có những hành động để phát triển các giải pháp thích ứng với khí hậu và hòa nhập cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Có thể coi Davos 2022 là một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, tập hợp các tác nhân phù hợp nhất lại với nhau để thúc đẩy hành động cho tất cả các sáng kiến trong lĩnh vực này. Ngay trước thềm hội nghị, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã công bố Báo cáo Tình trạng khí hậu toàn cầu, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ, quy mô và hành động để có hệ thống giảm thiểu các rủi ro đối với môi trường.
Bà Neo Gim Huay, Giám đốc điều hành Trung tâm Thiên nhiên và Khí hậu tại WEF nêu rõ: "Hội nghị thường niên tại Davos là cơ hội quan trọng để củng cố quyết tâm của chúng ta đối với hành động vì khí hậu, biến tham vọng thành hành động và củng cố thêm nhiều mối quan hệ đối tác để cùng tạo ra một tương lai mà chúng ta có thể tự hào".
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cảnh báo sự gia tăng nhiệt độ liên quan đến biến đổi khí hậu có thể tác động lớn đến năng suất toàn cầu trong tương lai và gây thiệt hại kinh tế, đặc biệt là ở các nước nghèo. Một nghiên cứu năm 2019 của ILO cho thấy mức giảm năng suất trên toàn cầu sẽ tương đương 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới vào năm 2030, dựa trên mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Dự kiến, tổng thiệt hại do sự suy giảm năng suất trên sẽ là 2.400 tỷ USD mỗi năm.