Chương trình nghị sự Davos 2022 tạo cơ hội nhìn lại thực trạng thế giới năm qua

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 đã khai mạc ở khu nghỉ dưỡng Alps tại Davos, Thụy Sĩ, dưới hình thức trực tuyến.

Chú thích ảnh
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF, ông Klaus Schwab (trái) nghe Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ảnh màn hình) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn WEF ngày 17/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Với chủ đề "Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin", sự kiện lần này tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo toàn cầu nhìn nhận lại thực trạng của thế giới trong năm vừa qua.

Trong thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức, WEF nhấn mạnh hai năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, sự kiện trực tuyến kéo dài 5 ngày từ 17 - 21/1 này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hành động phối hợp giữa các bên liên quan quan trọng trên toàn cầu. 

Các phiên chính của hội nghị sẽ thảo luận các vấn đề như đại dịch COVID-19, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi năng lượng, khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững và triển vọng kinh tế toàn cầu.

WEF cho biết các đại biểu tham dự gồm các nguyên thủ quốc gia, các giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo khác cũng sẽ chia sẻ quan điểm về biến đổi khí hậu, khế ước xã hội, công bằng phân phối vaccine, cùng nhiều vấn đề khác.

Hội nghị lần này cũng đánh dấu việc khởi động một số sáng kiến của Diễn đàn, bao gồm việc đẩy nhanh nỗ lực đưa mức phát thải ròng carbon về 0, đảm bảo cơ hội kinh tế, tạo khả năng phục hồi không gian mạng, tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng nền kinh tế tại các thị trường, thu hẹp khoảng cách sản xuất vaccine và sử dụng các giải pháp dữ liệu để chuẩn bị năng lực ứng phó với đại dịch tiềm tàng trong tương lai.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF, ông Klaus Schwab, nhấn mạnh rằng mọi người đều hy vọng trong năm 2022, đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng kéo theo sau đó sẽ bắt đầu lắng dịu. Để giải quyết các vấn đề này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cần áp dụng các mô hình mới với tầm nhìn dài hạn, cũng như cần đổi mới hợp tác và hành động một cách có hệ thống. Chương trình nghị sự Davos 2022 là điểm khởi đầu cho cuộc đối thoại cần thiết cho việc hợp tác toàn cầu trong năm nay.

Cũng trong ngày 17/1, WEF kêu gọi các thành phố trên toàn thế giới nên tăng cường đầu tư mở rộng các không gian xanh và nuôi dưỡng các hệ thống tự nhiên cung cấp nước, thực phẩm cũng không khí sạch, không chỉ vì sức khỏe của người dân và giải quyết các nguy cơ về biến đổi khí hậu, mà còn nhằm thúc đẩy kinh tế.

Tố Uyên - Xuân Hoàng (TTXVN)
WEF: Khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn
WEF: Khủng hoảng khí hậu vẫn là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn

Trong "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 11/1/2022, tổ chức này đã tiến hành đánh giá những mối đe dọa lớn nhất ở phạm vi quốc tế về khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các tác động. WEF một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN