Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ công bố báo cáo khoa học, đánh giá toàn diện về các vấn đề khí hậu toàn cầu định kỳ 6-7 năm/lần. Những báo cáo này cung cấp cơ sở khoa học để các chính phủ lên kế hoạch và đánh giá tiến độ thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, với mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức dưới 2 độ C - và tốt nhất là ở mức thấp hơn 1,5 độ C - so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp.
Trong Báo cáo tổng hợp thứ 6 được công bố ngày 20/3, IPCC cảnh báo rằng thế giới sẽ vượt qua giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong khoảng 10 năm tới, đồng thời dự báo các tác động tàn phá của biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn dự kiến. Theo báo cáo, có nhiều phương án khả thi, hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Mặc dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng tốc độ và quy mô của những biện pháp đã được các nước thực hiện cho đến nay, cũng như những kế hoạch đã được phác thảo, là không đủ để giải quyết vấn đề này, theo đó cần tăng tốc hơn nữa những hành động khẩn cấp để bảo vệ Hành tinh Xanh. Báo cáo khẳng định thực hiện hành động đúng đắn ngay bây giờ có thể mang lại sự thay đổi cần thiết cho một thế giới bền vững và công bằng.
Báo cáo dài 36 trang tập trung vào những thiệt hại mà tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra và sẽ tiếp tục gây ra trong tương lai, trong đó đặc biệt lưu ý tới những nhóm dân cư và những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất. Theo bà Aditi Mukherji - một trong 93 tác giả thực hiện báo cáo trên, "công bằng khí hậu là rất quan trọng", trong khi mức độ góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và mức độ bị ảnh hưởng hiện nay là không tương xứng. Bà Mukherji cho biết: "Gần 50% dân số thế giới đang sống ở những khu vực rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Trong thập kỷ qua, số người thiệt mạng do lũ lụt, hạn hán và bão tại những khu vực dễ bị tổn thương cao gấp 15 lần so với những khu vực còn lại, mặc dù nhiệt độ mới chỉ tăng chưa tới 1,2 độ C".
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nhấn mạnh: "Sự chuyển đổi nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và hệ thống là điều cần thiết để đạt được mức giảm phát thải sâu và bền vững, đồng thời đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả mọi người. Chúng ta có bí quyết, công nghệ, công cụ, nguồn tài chính - mọi thứ cần thiết để khắc phục các vấn đề về khí hậu mà chúng ta đã biết từ lâu. Điều còn thiếu vào thời điểm này là ý chí chính trị mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề này một lần và mãi mãi. Việc đưa các hành động khí hậu hiệu quả và công bằng vào chính sách sẽ không chỉ giúp giảm tổn thất và thiệt hại cho thiên nhiên và con người, mà còn mang lại lợi ích rộng lớn hơn".
Báo cáo cũng đề xuất các chính phủ lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính vào chính sách phát triển. Ví dụ: khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch để cải thiện sức khỏe; điện khí hóa carbon thấp, đi bộ, đi xe đạp và sự dụng phương tiện vận tải công cộng để góp phần nâng cao chất lượng không khí... Báo cáo nêu rõ: “Lợi ích kinh tế đối với sức khỏe con người từ việc cải thiện chất lượng không khí sẽ tương đương hoặc thậm chí có thể lớn hơn chi phí giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính”.
Theo báo cáo, trong bối cảnh khí hậu, hệ sinh thái và xã hội có mối liên quan mật thiết với nhau, việc bảo tồn hiệu quả và hợp lý khoảng 30-50% đất đai, nước ngọt và đại dương của Trái Đất sẽ giúp đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh. Ví dụ: những thay đổi trong lĩnh vực thực phẩm, điện, giao thông, công nghiệp, tòa nhà và sử dụng đất có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính, điều này có thể giúp mọi người dễ dàng hướng tới lối sống ít carbon hơn và từ đó cũng cải thiện sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc.
Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) - nêu rõ: "Báo cáo này chỉ ra rất rõ ràng về tình cảnh của chúng ta - cơ hội để đạt được mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang bị thu hẹp, song cũng báo hiệu rằng cơ hội vẫn còn đó".
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá: "Báo cáo của IPCC là khuyến nghị về cách tháo gỡ 'quả bom hẹn giờ' khí hậu. Đó là hướng dẫn sinh tồn cho nhân loại. Như báo cáo cho thấy, giới hạn 1,5 độ C là có thể đạt được, nhưng cần phải có một bước nhảy vọt trong hành động về khí hậu".
Theo các nhà khoa học, việc nền nhiệt trung bình của Trái Đất tăng 1,5 độ C có thể khiến thế giới tiến gần hơn tới "điểm tới hạn" trong hệ thống khí hậu, dẫn tới sự tuyệt chủng của một số loài sống trên đất liền và trong đại dương, làm mất đi những rạn san hô giàu đa dạng sinh học, khiến băng tan nhanh hơn, nước biển dâng cao và tình trạng mất mùa nghiêm trọng hơn... Nếu sự tăng nhiệt ở mức 1,8 độ C, nhân loại có thể phải đối mặt với thời kỳ nhiệt độ và độ ẩm cực cao, đe dọa đến tính mạng vào năm 2100.