Liên hợp quốc hỗ trợ hàng nghìn người dân Myanmar tránh xung đột

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) hôm 7/4 cho biết Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đang phối hợp với các đối tác để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar tạm thời sơ tán để tránh xung đột vũ trang. 

Chú thích ảnh
 Người biểu tình tập trung tại thành phố Yangon, Myanmar ngày 8/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo OCHA. có khoảng 7.100 dân thường đã tạm di dời khỏi các khu vực Kayin và Bago, miền Trung Myanmar, do lo sợ trở thành nạn nhân trong các cuộc xung đột giữa Lực lượng vũ trang Myanmar (MAF) và nhóm vũ trang Liên minh Quốc gia Karen (KNU).

Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh rằng nước này đã hỗ trợ nhân đạo cho những người dân Myanmar lánh nạn tại khu vực dọc biên giới hai nước. 

Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Prayut nói: "Chính phủ đã gợi ý giải quyết (tình hình ở Myanmar) thông qua Bộ Ngoại giao và ASEAN. Chúng ta phải giải quyết vấn đề một cách có hệ thống". Theo ông, hai nước đã có một cơ chế là ủy ban biên giới Thái Lan-Myanmar (TBC) để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia. Một số người Myanmar gặp vấn đề sức khỏe đã được gửi đến điều trị y tế tại Thái Lan.

Trong khi đó, cùng ngày, báo "The Irrawaddy" của Myanmar đưa tin một loạt vụ nổ xảy ra sáng 7/4 tại nhiều địa điểm trong thành phố Yangon, trong đó có cả các cơ quan của chính quyền, trụ sở quân sự và trung tâm mua sắm.

Ít nhất 3 vụ nổ đã xảy ra tại khu vực quân sự gần chùa Shwedagon, quận Dagon. Theo các bản tin truyền hình, 3 vụ ném lựu đạn khác xảy ra gần khu phức hợp Hluttaw tại quận Dagon. Trong khi 2 vụ xảy ra tại Văn phòng Quản lý thị trấn Sanchaung và dưới cây cầu Myaynigone Flyover. Ngoài ra, giới chức nước này ghi nhận một số vụ nổ tại trung tâm mua sắm Myanmar Plaza và gần khu vực Mayangone Township.

Một số nguồn tin cho biết có thêm ít nhất 15 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng chống đối và quân đội chính phủ Myanmar ngày 7/4. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, nêu rõ mục tiêu của phong trào bất tuân dân sự trong nước hiện nay là nhằm "hủy hoại" quốc gia Đông Nam Á này. 

Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng, bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cáo buộc đã có nhiều gian lận xảy ra trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng 11/2020, điều mà Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ. Sau khi nắm tạm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Quân đội cũng phủ nhận đã tiến hành đảo chính.

Phương Hoa (TTXVN)
Anh ủng hộ nỗ lực của ASEAN giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar
Anh ủng hộ nỗ lực của ASEAN giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar

Vương quốc Anh sẽ ủng hộ các nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN