Theo đặc phái viên Bathily, việc duy trì sự ổn định của quốc gia Bắc Phi này thậm chí còn quan trọng hơn trong bối cảnh tiếp diễn các cuộc đụng độ ở thủ đô Tripoli (Libya), cũng như tình trạng hỗn loạn ở các nước Sudan và Niger. Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông đánh giá tình hình hiện nay ở Libya và khu vực cho thấy thỏa thuận tạm thời chưa đủ để ngăn chặn các nguy cơ bạo lực và chia rẽ. Ông lưu ý rằng nếu Libya không có thỏa thuận chính trị toàn diện mở đường cho tiến trình bầu cử hòa bình, đầy đủ và minh bạch, tình hình sẽ ngày càng xấu đi và khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn hơn. Do đó, quan chức LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện trách nhiệm chính trị và đạo đức trong việc phá vỡ bế tắc hiện nay và mang lại hy vọng cho khát vọng chính đáng của người dân Libya về bầu cử, hòa bình và thịnh vượng.
Đặc phái viên LHQ tại Libya nêu rõ tất cả các vấn đề liên quan đến bầu cử ở quốc gia này cần được giải quyết thông qua thảo luận và thỏa hiệp giữa các bên liên quan. Ông nhấn mạnh các bài học trong 10 năm qua cho thấy bằng mọi giá phải tránh những bước đi đơn phương, nếu muốn chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực và “môi trường bầu cử phải là sân chơi bình đẳng cho tất cả các ứng cử viên”. Ông khẳng định hơn bao giờ hết, Libya cần chấm dứt tình trạng chia rẽ trong chính quyền. Người dân nước này mong muốn có thể chế chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế và xã hội thống nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bản sắc dân tộc. Do đó, theo ông, một chính phủ thống nhất trên cơ sở nhất trí của các bên chủ chốt là động lực đưa đất nước đến tổng các cuộc bầu cử.
Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011. Đất nước Bắc Phi này tiếp tục bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền Đông và miền Tây từ năm 2014. Các cuộc xung đột trên quy mô lớn đã tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, các phe phái tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài để giải quyết xung đột.
Tháng 12/2021, Libya đã không tổ chức tổng tuyển cử theo kế hoạch đề ra do những bất đồng về luật bầu cử giữa các đảng phái ở nước này.