Phát biểu tại buổi họp báo chung với Bộ trưởng Nội vụ Libya Fathi Bashagha tại thủ đô Tripoli, Ngoại trưởng Sayala khẳng định Libya "quyết tâm thúc ép và yêu cầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí". Ông nhấn mạnh Libya sẽ không thể thực thi các thỏa thuận an ninh nếu lệnh cấm vận vũ khí không được dỡ bỏ một phần, vì vậy cộng đồng quốc tế cần phải hưởng ứng nếu muốn sẵn sàng chống khủng bố.
Liên quan vụ tấn công khủng bố nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ngày 25/12, ông Sayala cho biết tất cả tài liệu quan trọng của cơ quan này vẫn nguyên vẹn, khẳng định trong ngày 26/12 bộ này sẽ làm việc trở lại tại các trụ sở tạm thời. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bashagha cho biết các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và lực lượng an ninh đang tích cực thu thập chứng cứ. Ông xác nhận danh tính của 3 kẻ tấn công sẽ được xác minh bằng giám định ADN.
Vụ tấn công liều chết nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya đã khiến 3 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận tiến hành vụ tấn công trên.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.