Vòng đàm phán lần này kéo dài trong vài giờ tại một căn cứ của Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ (UNIFIL) ở thị trấn biên giới Naqura của Liban. Tuyên bố chung của LHQ và Mỹ cho biết các cuộc đàm phán đã "có hiệu quả". Mỹ và Văn phòng Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Liban "vẫn hy vọng các cuộc đàm phán này là tiền đề cho một giải pháp vốn được mong đợi từ lâu". Trong khi đó, hãng thông tấn quốc gia Liban cho biết quan chức hai nước sẽ tiếp tục gặp nhau vào ngày 2/12 tới.
Trước đó, Liban và Israel, hai quốc gia về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, đã tiến hành 2 vòng đàm phán vào các ngày 14 và 28-29/10 vừa qua. Việc hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức tương tác với nhau sau nỗ lực trung gian của Mỹ được Washington ca ngợi là "bước tiến lịch sử".
Các cuộc đàm phán tập trung vào khu vực biển tranh chấp có diện tích lên đến 860 km2 theo bản đồ của LHQ năm 2011. Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Liban, Laury Haytayan cho biết nước này yêu cầu thêm một khu vực rộng 1.430 km2 về phía Nam. Theo bà Haytayan, phần bổ sung này kéo dài đến khu vực mỏ khí đốt Karish mà phía Israel đã giao cho Công ty Energean của Hy Lạp khai thác. Trong khi đó, một nguồn thạo tin phía Israel cho biết Israel yêu cầu đường biên giới trên biển của nước này phải dịch xa hơn về phía Bắc, nằm sâu trong vùng biển mà Liban tuyên bố chủ quyền.
Việc Liban và Israel tiến hành đàm phán diễn ra sau khi Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi tháng 9 đã ký kết các thỏa thuận thiết lập ngoại giao với Israel. Với những thỏa thuận này, UAE và Bahrain là các nước Arab tiếp theo thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994. Tuy nhiên Liban khẳng định rằng các cuộc đàm phán với Israel hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật và không liên quan tới bất kỳ việc bình thường hóa quan hệ chính trị nào giữa hai nước.