Đô đốc Mohd Zubil nêu rõ, MMEA cũng như các cơ quan chức năng khác của Malaysia đã áp dụng rất nhiều biện pháp trong thời gian qua, như phạt tù, phạt tiền, tịch thu tàu cá… song tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt trộm hải sản vẫn diễn ra.
Thống kê cho thấy, mỗi năm Malaysia thiệt hại khoảng 6 tỷ ringgit (tương đương 1,4 tỷ USD) do nạn đánh bắt trộm hải sản. Không những vậy, cách thức đánh bắt theo kiểu "tận diệt" của ngư dân nước ngoài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển, làm giảm sút nhanh chóng nguồn hải sản của nước này. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các ngư dân Malaysia khiến họ rất bất bình.
Theo người đứng đầu MMEA, thực tế cho thấy biện pháp phạt tù hay tăng mức phạt tiền không hiệu quả trong việc ngăn chặn ngư dân nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển của Malaysia để đánh bắt trộm hải sản. MMEA đã nghiên cứu và đề xuất lên Cục Thủy sản Malaysia một số biện pháp cứng rắn hơn để xử lý vấn đề này, trong đó có biện pháp phạt đánh roi đối với các ngư dân vi phạm. Biện pháp này đang được Indonesia áp dụng và tỏ ra rất có hiệu quả.
Đô đốc Mohd Zubil nhấn mạnh thông điệp của MMEA gửi đến ngư dân nước ngoài, đó là, nếu không chấm dứt hoạt động đánh bắt trộm hải sản tại Malaysia, họ sẽ phải đối mặt với những trừng phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Theo số liệu từ MMEA, trong giai đoạn Malaysia áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) từ ngày 18/3 đến nay để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, số lượng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia đánh bắt trộm hải sản tăng đáng kể, trong đó có các tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Theo ghi nhận của MMEA, tính từ ngày 19/3 đến ngày 22/6, có tổng cộng 88 vụ xâm phạm và đánh bắt trộm hải sản liên quan đến các tàu cá Việt Nam.