Dự luật này nhằm đảm bảo nước Anh sẽ không tham gia chính sách đánh bắt hải sản chung với các nước trong EU khi thời kỳ chuyển tiếp của Anh kết thúc vào ngày 31/12 tới.
Theo chính sách đánh bắt hải sản chung EU hiện nay, tàu cá của các nước thành viên EU được tự do đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc các nước EU quản lý. Tuy nhiên, quyền này có thể sẽ được khôi phục trở lại nếu như Anh và EU đạt được đồng thuận trong thỏa thuận thương mại hai bên thời hậu Brexit.
Nhiều ngư dân Anh cho rằng họ bị thiệt thòi vì ngư dân của các nước EU đến vùng biển của Anh đánh bắt hải sản rất nhiều. Thủ tướng Anh Boris Johnson từng cho rằng "việc lấy lại quyền kiểm soát" đánh bắt hải sản trong vùng biển của Anh là một trong những lợi ích mà Anh có được khi kết thúc 47 năm là thành viên EU. Tuy nhiên, Anh sẽ phải đối mặt với những yêu cầu từ phía EU đòi quyền tiếp tục được khai thác đánh bắt hải sản trong vùng biển của Anh nhằm đổi lấy việc Anh có được hưởng những lợi ích khác từ EU, khi hai bên đàm phán thương mại thời hậu Brexit.
Đánh bắt cá chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng sản lượng kinh tế Anh, nhưng đối với một số làng chài ven biển thì đây là lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa ra một chính sách đánh bắt hải sản mới để bảo vệ lợi ích của các làng chài đánh cá ven biển của Anh. Dự luật mới sẽ cho phép Chính phủ Anh hỗ trợ tài chính cho việc đào tạo và cải tiến các cảng biển hiện nay, đưa ra yêu cầu pháp lý về việc đánh bắt ở một mức độ hợp lý để duy trì bền vững, bảo vệ một số loài như cá heo, hoặc giảm bớt việc đánh bắt những loài cá ngoài ý muốn.
Cùng ngày, với 63 phiếu ủng hộ và 54 phiếu chống, Quốc hội vùng Scotland (Anh) đã thông qua việc tiếp tục treo cờ EU trước tòa nhà quốc hội sau khi nước Anh chính thức rời EU lúc 23h ngày 31/1 tới.
Thủ hiến Scotland, Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland (SNP) - đảng ủng hộ Anh ở lại trong EU, bà Nicola Sturgeon đã kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc tiếp tục treo cờ EU sau ngày 31/1. Các nghị sĩ Scotland cho rằng việc tiếp tục treo cờ EU là để thể hiện "tinh thần đoàn kết và ủng hộ với các công dân EU - những người quyết định sinh sống lâu dài tại Scotland".
Quốc hội Scotland cùng ngày cũng bỏ phiếu ủng hộ đề nghị của Thủ hiến Sturgeon về việc yêu cầu được tiến hành trưng cầu dân ý độc lập lần thứ 2, với tỷ lệ ủng hộ 64/54. Trước đây, Scotland từng tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập vào năm 2014 với tỷ lệ phản đối là 55,30% và ủng hộ là 44,70%.