Leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Maroc và Algeria

Quan hệ đang xấu đi giữa Maroc và Algeria ghi nhận những diễn biến căng thẳng mới với việc Maroc tuyên bố sẽ đóng cửa đại sứ quán của mình ở Algeria và đưa toàn bộ nhân viên về nước từ ngày 27/8.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra. Ảnh: AFP

 Ngày 26/8, phóng viên TTXVN tại Algiers dẫn một nguồn tin chính thức cho biết Maroc đưa ra quyết định trên sau khi Algeria cắt đứt quan hệ với vương quốc này vì những hành động mà Algeria cho là thù địch từ phía Maroc. Nguồn tin cho biết thêm rằng lãnh sự quán Maroc tại các thành phố Algiers, Oran và Sidi Belabbes vẫn tiếp tục mở cửa.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra đã thông báo cắt đứt quan hệ với Maroc sau nhiều tháng gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 26/8, Hãng thông tấn quốc gia Algeria (APS) cho biết nước này đã sẵn sàng chuyển hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Tây Ban Nha thông qua đường ống dẫn dưới biển đi qua Maroc sang một đường ống khác của nước này.

Trong cuộc gặp với Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Moran, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab nhấn mạnh cam kết của Algeria trong việc cung cấp đầy đủ khí đốt tự nhiên cho Tây Ban Nha thông qua đường ống Medgaz của nước này.

Algeria xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Tây Ban Nha thông qua cả hai đường ống Medgaz và đường ống GME qua lãnh thổ Maroc với công suất lớn hơn. Nhưng từ ngày 24/8, Algeria tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với nước láng giềng phía Tây vì các hành động bị cho là thù địch từ phía Maroc, trong khi Rabat cho rằng cáo buộc này là vô lý. Vụ việc xảy ra chỉ hơn hai tháng trước khi đường ống GME, hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn khí đốt khổng lồ Tây Ban Nha Naturgy, chuyển sang quyền sở hữu của Maroc vào ngày 1/11 sắp tới.

Các cuộc đàm phán về việc Algeria tiếp tục sử dụng đường ống GME đã trở nên phức tạp do căng thẳng ngày càng leo thang trong quan hệ với Maroc. Ngày 21/7 vừa qua, Maroc cho biết họ muốn tiếp tục mở đường ống GME, chuyển khoảng một nửa lượng khí đốt xuất khẩu của Algeria sang Tây Ban Nha. Nhưng mối quan hệ hai nước đã đổ vỡ, đặc biệt là sau khi Algeria cáo buộc Maroc có liên quan đến vụ cháy rừng nghiêm trọng tại Algeria khiến ít nhất 90 người thiệt mạng. Việc Maroc bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm ngoái như một điều kiện để Mỹ công nhận chủ quyền của Rabat đối với khu vực Tây Sahara tranh chấp cũng là nguyên nhân khiến quan hệ hai nước xấu đi. 

Công suất của đường ống Medgaz của Algeria đến Tây Ban Nha đạt khoảng 8 tỷ m3/năm dự kiến sẽ tăng thêm 25% vào cuối năm nay. Nhưng theo Nhóm Khảo sát kinh tế Trung Đông, ngay cả khi tăng công suất, đường ống này cũng không đáp ứng đủ khối lượng khí đốt mà Algeria đã từng xuất khẩu sang Tây Ban Nha.

Quan hệ giữa Algeria và Maroc đã căng thẳng từ nhiều năm qua, chủ yếu liên quan đến vấn đề chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Tây Sahara, biên giới giữa hai nước láng giềng này đã bị đóng từ 1994. Algeria và Maroc từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau ủng hộ các phong trào đối lập. Sự ủng hộ của Algeria đối với những người ly khai ở khu vực tranh chấp Tây Sahara là yếu tố gây mâu thuẫn đặc biệt đối với Maroc. Tuần trước, Algeria cho rằng các vụ cháy rừng nghiêm trọng tại nước này do các nhóm bị Algiers coi là khủng bố gây ra, trong đó có một nhóm bị cáo buộc nhận được sự hậu thuẫn của Maroc. Về phần mình, Maroc cho rằng việc Algeria cắt đứt quan hệ ngoại giao là hoàn toàn phi lý và dựa trên những lời đồn đoán sai lầm, vô căn cứ.

Nguyễn Tú (TTXVN)
OIC kêu gọi đối thoại để giải quyết bất đồng giữa Algeria và Maroc
OIC kêu gọi đối thoại để giải quyết bất đồng giữa Algeria và Maroc

Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, ngày 25/8, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Liên đoàn Arab (AL), Saudi Arabia và Libya đã kêu gọi Algeria và Maroc tiến hành đối thoại và kiềm chế sau khi hai nước láng giềng này đang đối mặt cuộc khủng hoảng ngoại giao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN