Tại cuộc họp báo, Bộ Y tế Lào cho biết, tính tới chiều 14/5, Lào vẫn chỉ có 19 ca nhiễm bệnh, trong đó có 14 người đã được chữa khỏi.
Mặc dù tình hình phòng chống COVID-19 tại Lào có những diễn tiến tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, các biện pháp phòng ngừa sớm cũng như kết quả phòng dịch có hiệu quả, nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu và khu vực, Chính phủ Lào sẽ không chủ quan, tránh để bùng phát làn sóng dịch thứ hai như đang đã xảy ra ở nhiều nước. Do đó, trong giai đoạn từ ngày 18/5 - 1/6 tới, bên cạnh việc nới lỏng một số hạn chế, Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục áp dụng một số biện pháp phòng ngừa.
Cụ thể, Chính phủ Lào tiếp tục yêu cầu toàn xã hội thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 như đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m, thường xuyên rửa tay, đo thân nhiệt, thực hiện nguyên tắc đảm bảo vệ sinh dịch tễ.
Về các biện pháp nới lỏng, Chính phủ Lào cho phép các công sở, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhưng phải tiếp tục thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch; khuyến khích làm việc qua hệ thống điện tử trực tuyến nếu điều kiện cho phép; mở lại các hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc, cho phép người dân di chuyển liên tỉnh; tổ chức tập huấn, hội nghị chính thức trên cả nước.
Người nước ngoài tại Lào về nước theo nguyện vọng, sinh viên và lao động Lào có thể xuất cảnh nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp mà quốc gia đích đến yêu cầu. Chính phủ cũng cho phép mở lại các lớp học cuối cấp gồm lớp 5 tiểu học, lớp 9 và lớp 12 kể từ 18/5, các cấp học còn lại sẽ được trở lại trường từ ngày 2/6 tới.
Người dân được phép tổ chức hoạt động thể thao trong nhà - ngoài trời, song phải chấp hành quy định về phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, các lĩnh vực kinh doanh, dự án hoạt động trở lại nhưng phải nằm dưới sự giám sát của cơ quan chức năng ngành dọc và chính quyền địa phương.
Về các biện pháp hạn chế, Chính phủ Lào tiếp tục cấm tổ chức tiệc tùng; tiếp tục đóng cửa các chợ đêm, các tụ điểm giải trí, các quán bia - rượu, karaoke, quán Internet, sòng bạc, các hoạt động thể thao có khán. Chính phủ tiếp tục cấm việc tụ tập, hội họp không chính thức, tổ chức cưới hỏi, lễ hội truyền thống quá 50 người mà không thể giữ giãn cách tối thiểu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới, bao gồm cả cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và cửa khẩu quốc tế và chỉ cho phép hoạt động vận tải hàng hóa và một số trường hợp xuất-nhập cảnh đã được ủy ban chuyên trách cho phép. Đồng thời, Lào tiếp tục dừng cấp thị thực cho người nước ngoài, ngoại trừ nhà ngoại giao, chuyên gia, chuyên viên, lao động cần thiết cho các dự án tại nước này.
Trong thông báo mới, Bộ Y tế Lào cũng nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, nếu tỉnh nào xuất hiện bất cứ ca nhiễm COVID-19 mới nào, tỉnh đó sẽ bị phong tỏa, Nếu xuất hiện các ca nhiễm bệnh ở 2 tỉnh trở lên, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục thực hiện lại quy định trong chỉ thị 06/TTg về phòng chống COVID-19 trên phạm vi cả nước.
* Tại Indonesia, ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Terawan Agus Putranto đã ban hành Thông tư số HK.02.01/313/2020 quy định về kiểm soát sức khỏe đối với công dân Indonesia trở về từ nước ngoài và người nước ngoài đến Indonesia.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, thông tư này có một số quy định bắt buộc như: Đối với tất cả mọi người khi nhập cảnh vào Indonesia phải tuân theo các thủ tục kiểm dịch y tế, theo đó mỗi người phải mang theo giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh kết quả xét nghiệm chuỗi polymerase (PCR) âm tính có giá trị tối đa 7 ngày kể từ khi cấp cơ sở y tế từ nước xuất xứ cấp; Khi đến sân bay, bến cảng sẽ phải trải qua giai đoạn kiểm tra sức khỏe bổ sung bao gồm phỏng vấn sức khỏe, đo thân nhiệt và kiểm tra thông qua xét nghiệm nhanh hoặc phản ứng PCR. Sau khi được kiểm tra, mỗi người dân Indonesia và người nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận sức khỏe và thẻ cảnh báo sức khỏe (HAC) do Văn phòng Y tế tại các của khẩu cấp.
Đối với công dân Indonesia, giấy chứng nhận sức khỏe cũng sẽ được gửi đến chính quyền địa phương nơi ở để theo dõi trong thời gian tự cách ly. Với người nước ngoài, giấy chứng nhận sức khỏe sẽ được trao cho cơ quan đại diện của quốc gia đó tại Indonesia, cơ quan đại diễn sẽ trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Y tế địa phương để theo dõi trong thời gian cách ly.
Nếu người dân và người nước ngoài muốn đi lại trong thời gian tự cách lý thì phải được Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 tại địa phương cấp giấy phép đi lại. Để đảm bảo an toàn, những người công dân Indonesia trở về từ nước ngoài và công dân nước ngoài đến Indonesia được khuyến cáo tự cách ly ở nhà trong vòng 14 ngày, áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và sinh hoạt sạch sẽ và lành mạnh.
Cùng ngày, Chính phủ Indonesia cũng cho biết, đảo Bali của nước này có thể mở cửa trở lại đón khách du lịch vào tháng 10 tới do những thành công trong việc của chính quyền tỉnh này đối với đại dịch COVID-19.
Tính tới ngày 15/5, sau khi ghi nhận thêm 490 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia đã lên tới 16.496, với 1.076 ca tử vong và đã có 3.803 ca được chữa khỏi.
* Tại quốc gia Nam Á Bangladesh, ngày 15/5, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 1.202 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 8/3, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên trên 20.065 ca, trong đó có 298 ca tử vong và hồi phục là 3.882.