Theo một hãng tin thân cận với văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus, trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước đã cân nhắc các bước đi tiếp theo để giải quyết tình hình hiện nay ở Kazakhstan. Belarus đã gửi quân đến Kazakhstan trong khuôn khổ sứ mệnh gìn giữ hòa bình do Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) dẫn đầu.
Cùng ngày 8/1, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo quân đội nước này đã bắt đầu canh gác một số cơ sở hạ tầng quan trọng ở Kazakhstan. Theo bộ này, quân đội Belarus không tham gia vào các hoạt động an ninh đang được tiến hành tại Kazakhstan để dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực.
Trong khi đó, Tổng thống Tokayev cùng ngày tuyên bố sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình ở thủ đô Nur-Sultan (Kazakhstan) theo ủy quyền của CSTO đã cho phép các nước thành viên cử thêm lực lượng an ninh tới thành phố Almaty, điểm nóng bạo loạn tại quốc gia Trung Á này.
Tuần qua, biểu tình bạo loạn đã leo thang ở nhiều khu vực của Kazakhstan để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Bất ổn an ninh đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh, thành lớn của đất nước, trong đó có tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và thủ đô Nur-Sultan. Tối 5/1, ông Tokayev đã phải đề nghị sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các nhóm khủng bố hoạt động ở nước này đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan, nhà chức trách Kazakhstan đã bắt giữ cựu Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia, ông Karim Massimov, cùng một số quan chức khác do nghi ngờ phạm tội phản quốc. Trong thông báo ngày 8/1, Ủy ban An ninh quốc gia Kazakhstan cho biết, cách đây hai ngày, nhà chức trách nước này đã mở một cuộc điều tra đối với ông Massimov - người vừa bị Tổng thống Tokayev sa thải hồi đầu tuần, cùng một số quan chức giấu tên khác với cáo buộc phạm tội phản quốc. Hiện những người này đang bị tạm giam chờ xét xử.