Lãnh đạo Đức lên án hành động thù hận, phân biệt chủng tộc trong vụ xả súng tại Hanau

Sau khi xảy ra vụ xả súng làm 10 người thiệt mạng tại những địa điểm tập trung nhiều người nước ngoài ở thành phố Hanau, thuộc bang Hessen của Đức, các nhà lãnh đạo Đức ngày 20/2 đã lên tiếng bày tỏ bàng hoàng về vụ tấn công, đồng thời cực lực phản đối hành động thù hận, phân biệt chủng tộc. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) tới hiện trường vụ xả súng để tưởng nhớ các nạn nhân, cũng như bày tỏ sự phản đối hành động cực hữu, phân biệt chủng tộc. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận nạn phân biệt chủng tộc, thù hận là những “chất độc” đang tồn tại trong xã hội Đức khi nước này phải chứng kiến nhiều vụ việc liên quan trong những năm gần đây, trong đó có nhiều vụ tấn công nhằm vào người di cư.

Bà Merkel đề cao phẩm giá của từng con người dù họ thuộc sắc tộc nào hay mang màu da nào, đồng thời khẳng định nước Đức quyết tâm chống lại những kẻ âm mưu gây chia rẽ đất nước. 

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đã tới hiện trường vụ xả súng để thể hiện sự chia sẻ với các nạn nhân, và cùng hàng nghìn người xuống đường phố Hanau để tưởng nhớ các nạn nhân cũng như bày tỏ phản đối hành động cực hữu, phân biệt chủng tộc.

Vụ việc xảy ra đêm 19/2, công dân Đức Tobias R, 43 tuổi, đã thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng ở Hanau làm 10 người thiệt mạng gồm 9 người gốc nước ngoài và mẹ hung thủ. Sau khi thực hiện hai vụ xả súng ở những nơi có nhiều người nước ngoài, hung thủ Tobias R., đã về nhà và bắn chết mẹ. Sau đó đối tượng này tự sát. 

Các nhà điều tra tin rằng đối tượng hành động một mình và đang điều tra vụ việc theo hướng bài ngoại, cực hữu. Các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu về những ảnh hưởng của tư tưởng cực hữu đối với đối tượng và liệu y có liên quan tới một nhóm hoặc tổ chức nào không.

Hung thủ là một thợ săn và đã mua trực tuyến 3 khẩu súng sở hữu hợp pháp, song nhà chức trách địa phương chưa bao giờ chú ý đến đối tượng này trước khi đối tượng thực hiện vụ tấn công trên.

Theo các nhà điều tra, hung thủ đã sản xuất nhiều video clip tại nhà riêng và tung lên mạng, trong đó y thể hiện mong muốn “giải thoát nước Đức khỏi những người nước ngoài", nhất là những người đến từ Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á. Các công tố viên cũng cho biết những vật chứng thu được cho thấy hung thủ có “tư tưởng phân biệt chủng tộc sâu sắc”.

Theo nhà khoa học chính trị và là một chuyên gia về vấn đề cựu hữu Florian Hartleb, các vụ tấn công gần đây ở Đức đã tạo nên tâm lý hoang mang trong bối cảnh giới chức nước này đang tìm cách tăng cường đối phó với khủng bố cực đoan.

Theo ông Hartleb, nhà chức trách cần tìm ra những chiến lược hữu hiệu hơn để đối phó với thế giới số, nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra. Ông cho rằng các đối tượng đều có điểm chung là hầu như không được biết đến, chưa có tiền án tiền sự, không tham gia các tổ chức cực đoan, và cách duy nhất để lần theo dấu vết của những đối tượng này là theo dõi trên thế giới ảo.

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ xả súng tại Hanau, Đức, ngày 20/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Sau vụ tấn công ở Hanau, nhiều chính trị gia thuộc các đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU), đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Cánh tả nhìn nhận một phần nguyên nhân là sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trên toàn nước Đức, cho rằng sự hiện diện của AfD đã thổi bùng tư tưởng cực hữu của nhiều đối tượng cực đoan, phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Ngày 20/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi châu Âu hành động chống phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vụ tấn công ở Hanau là một biểu hiện mới và nghiêm trọng về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thù địch gia tăng đối với người Hồi giáo. Tuyên bố nhấn mạnh không nên coi vụ tấn công này là vụ tấn công của cá nhân, đồng thời cho rằng "sự thiếu nhạy bén trong cuộc chiến chống tư tưởng bài ngoại ngày càng gia tăng ở châu Âu là nguyên nhân gây ra các cuộc tấn công mới mỗi ngày". 

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước trên thế giới cùng đoàn kết hành động để ngăn chặn, nếu không chủ nghĩa bài ngoại và phân biệt chủng tộc sẽ có thể lên tới mức độ nghiêm trọng hơn.

Mạnh Hùng - Minh Châu (TTXVN)
Điều tra vụ xả súng ở Đức theo hướng tấn công khủng bố
Điều tra vụ xả súng ở Đức theo hướng tấn công khủng bố

Bộ trưởng Nội vụ bang Hesse của Đức, Peter Beuth ngày 20/2 cho biết các công tố viên liên bang đang tiến hành điều tra các vụ xả súng tại thành phố Hanau thuộc bang này theo hướng tình nghi đây là vụ tấn công khủng bố. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN