Lãnh đạo cấp cao Taliban về Afghanistan, chuẩn bị lập chính phủ mới

Các lãnh đạo cấp cao của Taliban đã về Afghanistan ngày 17/8, động thái cho thấy lực lượng này đang hướng đến tổ chức chính phủ mới.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban tại Kabul ngày 17/8. Ảnh: AFP

Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin rằng những thỏa thuận với Taliban về việc sơ tán tại sân bay Kabul được đưa ra trao đổi lần đầu tiên vào ngày 16/8 tại Doha (Qatar) giữa lãnh đạo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ - Tướng Kenneth “Frank” McKenzie và người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar.

Ông Baradar vào ngày 17/8 đã rời Doha, về thành phố lớn thứ hai của Afghanistan là Kandahar, một động thái chuyển trọng tâm ngoại giao về Afghanistan.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John F. Kirby cho biết những thảo luận tương tự ở Doha đang diễn ra giữa chỉ huy Mỹ và các thủ lĩnh Taliban tại Kabul.

Ngoài ra, việc ông Baradar quay trở về cũng cho thấy Taliban đang tiến gần đến việc công bố hình thành chính phủ mới chính thức. Các lãnh đạo của Taliban, bao gồm ông Baradar, đều đã thảo luận với “ủy ban điều phối” do cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và nhà đàm phán Abdullah Abdullah dẫn đầu.

Taliban chưa công bố bộ máy chính phủ hoặc danh tính các quan chức nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ có quá trình chuyển giao chính thức, có thể do ủy ban của ông Karzai thực hiện.

Dưới đây là video do Taliban công bố về ông Baradar được chào đón khi đặt chân đến Kandahar (nguồn: Daily Mail):

Ông Baradar (53 tuổi) là phó tướng trợ lý cho cựu thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar, người từng ủng hộ Osama bin Laden dẫn đến việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Ông Baradar sinh ra tại tỉnh Uruzgan năm 1968 và trưởng thành ở Kandahar - quê hương của phong trào Taliban. Khi Taliban nắm quyền lực năm 1996, ông Baradar đã nắm giữ nhiều chức vị cao. Khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan năm 2001, ông Baradar giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau sự kiện đó, ông Baradar đã lẩn trốn nhưng vẫn nắm giữ vai trò lãnh đạo Taliban.

Cách đây 3 năm, ông Baradar được thả tự do ở Pakistan theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Chỉ 9 tháng trước, ông Baradar còn chụp ảnh cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để ký một thỏa thuận hòa bình ở Doha.

Chú thích ảnh
Ông Baradar chụp ảnh cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 9/2020. Ảnh: Daily Mail

Trong một diễn biến liên quan, Taliban khẳng định những người nước ngoài đang sinh sống tại Afghanistan sẽ an toàn. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban đầu chấp nhận cam kết này. Quân đội Mỹ đồng thời cho biết đã thiết lập đường liên lạc trực tiếp với Taliban và việc sơ tán người dân đã diễn ra nhanh chóng và bình tĩnh sau khoảng thời gian hỗn loạn tại sân bay Kabul ngày 16/8.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá: “Chính Taliban sẽ thể hiện cho thế giới thấy họ là ai và có ý định gì. Dữ liệu trước đây là không tốt nhưng vẫn còn quá sớm để giải quyết câu hỏi đó ở thời điểm này”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Taliban 2.0 đã 'lột xác' như thế nào sau 20 năm
Taliban 2.0 đã 'lột xác' như thế nào sau 20 năm

Phong trào Taliban đã lên nắm quyền ở Afghanistan và sẽ sớm tuyên bố đất nước này là một Tiểu vương quốc Hồi giáo. Những dấu hiệu đầu tiên mà lực lượng này thể hiện trong những ngày qua đã cho thấy có sự thay đổi, nhưng liệu đó có phải là “bình cũ rượu mới”?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN