Theo kênh Aljazeera, ngày 16/8, Facebook đã xác nhận coi Taliban là nhóm khủng bố và cấm nhóm này cũng như cấm các nội dung ủng hộ Taliban trên nền tảng của mình.
Tuy nhiên, các thành viên Taliban vẫn tiếp sử dụng dịch vụ nhắn tin mã hóa WhatsApp của Facebook để liên lạc trực tiếp với người dân Afghanistan, cho dù bị Facebook cấm theo quy định chống các tổ chức nguy hiểm.
Một người phát ngôn của Facebook cho biết công ty đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Afghanistan và WhatsApp sẽ có động thái với các tài khoản bị phát hiện có liên kết với các tổ chức bị cấm ở Afghanistan, như gỡ tài khoản.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Adam Mosseri, Giám đốc ứng dụng Instagram của Facebook cho biết Taliban nằm trong danh sách tổ chức nguy hiểm của Facebook và do đó nội dung quảng bá hay đại diện cho Taliban cũng bị cấm.
Ông Mosseri nói: “Chúng tôi đang dựa trên chính sách đó để chủ động gỡ bỏ bất kỳ thông tin nào mà chúng tôi có thể gỡ nếu nó có thể nguy hiểm hoặc liên quan tới Taliban nói chung. Giờ tình hình đang diễn ra rất nhanh và khi đó, tôi chắc rủi ro cũng sẽ tăng nhanh. Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh điều chúng tôi làm và cách thực hiện để đối phó với những rủi ro đang biến đổi này”.
Trước đó, trên mạng Twitter, các phát ngôn viên của Taliban với hàng trăm nghìn người theo dõi đã cập nhật về các diễn biến trong quá trình lực lượng này chiếm quyền kiểm soát Afghanistan.
Khi được hỏi về việc Taliban sử dụng Twitter, công ty này cho biết có chính sách chống các tổ chức bạo lực và hành vi thù hằn, nhưng không trả lời về việc coi Taliban thuộc nhóm nào. Quy định của Twitter không cho phép các tổ chức khuyến khích khủng bố hay bạo lực nhằm vào dân thường.
Về phần mình, khi được hỏi có cấm hay hạn chế Taliban không, mạng YouTube từ chối bình luận, nhưng cho biết sẽ dựa vào các chính phủ để xác định các tổ chức khủng bố nước ngoài, từ đó có hướng dẫn thực thi quy định chống các tổ chức tội phạm bạo lực.
YouTube cho biết Taliban không có tên trong danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ. Thay vào đó, Mỹ xếp Taliban vào nhóm khủng bố toàn cầu đặc biệt. Ai nằm trong danh sách này đều bị đóng băng tài sản ở Mỹ.
Mặc dù đa số quốc gia chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ công nhận Taliban về mặt ngoại giao, nhưng vị trí của Taliban trên trường quốc tế có thể thay đổi khi lực lượng này củng cố quyền lực ở Afghanistan.
Ông Mohammed Sinan Siyech, nhà nghiên cứu an ninh ở Nam Á, cho biết cả Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức đàm phán với Taliban nên Taliban là một người chơi được chấp nhận ở mức quan hệ quốc tế. Ông nói: “Nếu xuất hiện sự công nhận này thì những công ty như Twitter hay Facebook sẽ gặp khó khăn khi phải tự xác định nhóm này xấu và sẽ không cho sử dụng nền tảng”.
Sự trở lại của Taliban đã khiến nhiều người lo ngại lực lượng này sẽ đàn áp tự do ngôn luận và nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ, đồng thời lo ngại Afghanistan một lần nữa có thể trở thành hang ổ cho các tổ chức bạo lực. Dù vậy, Taliban đã ra tuyên bố nói rằng muốn có quan hệ quốc tế hòa bình và cam kết bảo vệ người dân Afghanistan.
Trong năm nay, các nền tảng mạng xã hội đã đưa ra những quyết định quan trọng liên quan các lãnh đạo thế giới và tổ chức đang nắm quyền. Ví dụ như vụ khóa tài khoản mạng xã hội của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vì kích động bạo lực trong vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1.