Về nhân vật có thể lên nắm quyền Tổng thống Afghanistan thời Taliban 2.0

4 năm trước, Mullah Abdul Ghani Baradar vẫn bị giam giữ trong một nhà tù ở Pakistan sau khi bị tình báo Mỹ và Pakistan bắt giữ vì giữ vai trò chủ mưu trong một chiến dịch quân sự đẫm máu ở Afghanistan.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban tiến vào Dinh Tổng thống ở Kabul, Afghanistan, sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN

Giờ đây, thủ lĩnh của Taliban đứng trước cơ hội trở thành Tổng thống mới tại Afghanistan, khi chính quyền Kabul nhanh chóng sụp đổ sau khi Mỹ và phương Tây rút quân. Khi quân Taliban tiến vào Kabul hôm 15/8, người đàn ông 54 tuổi này được cho là đã từ Qatar trở về thủ đô. Tại thủ đô Doha, Qatar, Baradar đảm nhận đảm nhận vai trò trưởng đoàn đàm phán của Taliban với Kabul trong tiến trình tạo dựng hòa bình lâu dài cho Afghanistan.

Như nhiều thủ lĩnh khác của Taliban, Baradar là một nhân vật bí ẩn. Ông không nói tiếng Anh và không hào hứng với truyền thông, mạng xã hội, chỉ cho phép bản thân đưa ra những tuyên bố chính thức gắn với những câu trích dẫn trong kinh Koran. Trong đoạn video được phát đi ngay sau khi Kabul rơi vào tay Taliban, Baradar lên tiếng ca ngợi chiến thắng này, đồng thời hứa hẹn Taliban sẽ phụng sự người dân Afghanistan.

Sinh ra tại tỉnh miền trung Uruzgan ở Afghanistan, Ghani Baradar được cho là sớm gia nhập phong trào thánh chiến (mujahideen) chống lại quân Liên Xô can thiệp ở Afghanistan. Đến năm 1994, Baradar cùng với Mullah Omar là người đồng sáng lập phong trào Taliban. Omar sau đó trở thành thủ lĩnh của lực lượng này, còn Baradar được cho là đã kết hôn với em gái của Omar.

Tại thời điểm Mỹ đưa quân đánh chiếm Afghanistan, Baradar đảm nhận cương vị Thứ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Taliban. Sau khi phong trào này sụp đổ, có tin đồn Baradar là một phần trong nhóm tàn dư của Taliban muốn thúc đẩy hòa hợp với Hamid Karzai – Tổng thống Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn và cũng là người thuộc bộ lạc Popalzai như Baradar.

Nhưng đến năm 2008, Baradar lại là người đi đầu trong việc khôi phục thực lực quân sự của Taliban, là kiến trúc sư của chiến lược có tên gọi “Ibrat” (tạm dịch: Cảnh báo), chuyên về sát hại, bắt cóc có chọn lọc, sử dụng đội quân đánh bom liều chết và gần như chỉ nhằm vào nhóm đối tượng người Afghanistan làm việc trong chính quyền Kabul được phương Tây hậu thuẫn.

Chú thích ảnh
Mullah Abdul Ghani Baradar, người được coi là thủ lĩnh chính trị của Taliban. Ảnh: Getty Images

Năm 2010, Baradar bị bắt giữ trong một chiến dịch có sự phối hợp của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Pakistan (PIS) và bị giam tại một nhà tù ở Pakistan. Năm 2018, ông Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của chính quyền Tổng thống Donald Trump về hòa giải tại Afghanistan được cho là đã yêu cầu Pakistan thả ông Baradar. Tại thời điểm đó, ông Khalilzad tin rằng Baradar sẽ sẵn sàng tham gia vào một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Afghanistan, bất chấp một số quan chức Mỹ nghi ngờ về thiện chí, thật tâm của Baradar.

Thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ được ký kết vào tháng 2/2020 tại Doha. Chính quyền ông Trump gọi đây là một bước đột phá để có được hòa bình. Cũng trong năm này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc tiếp xúc với Baradar. Dường như ông Pompeo tin tưởng rằng Washington giờ đây có thể chuyển Taliban từ kẻ thù cũ sang một đối tác hợp tác, với tuyên bố “chúng tôi đánh giá cao cam kết của Taliban về không chứa chấp các nhóm khủng bố quốc tế, trong đó có Al-Qaeda".

Trong cơ cấu tổ chức hiện nay của Taliban, Mullah Haibatullah Akhundzada được coi là lãnh tụ tinh thần sau khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị không quân Mỹ tiêu diệt trong một cuộc tiến công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan năm 2016. Đây cũng là nhân vật từng tham gia cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô, rồi cố vấn về tôn giáo cho thủ lĩnh Mullah Omar. Tuy nhiên Akhundzada được biết đến nhiều hơn ở vai trò học giả tôn giáo.

Về phần mình, Baradar đảm nhận vai trò lãnh đạo chính trị. Ngoài đại diện cho Taliban tại tiến trình đối thoại liên Afghanistan ở Doha, Baradar chuyên trách việc tạo dựng mối liên hệ giữa Taliban với các “thống đốc ngầm” ở Afghanistan. Là người đồng sáng lập và được coi là gương mặt được Mullah Omar tin cẩn nhất, Baradar được giới nghiên cứu và nhiều chính quyền phương Tây dự báo sẽ lên nắm quyền Tổng thống ở Afghanistan.

Tầm nhìn của Barada về Afghanistan dưới thời “Taliban 2.0” như thế nào vẫn là điều khó đoán định. Một số nhìn nhận thủ lĩnh Baradar đại diện cho một thế hệ mới ở Afghanistan, sẵn sàng can dự với thế giới, muốn được thế giới công nhận.

Nhưng nhiều người e ngại Taliban dù có một số điều chỉnh, thích ứng nhỏ nhưng vẫn sẽ trở lại với tầm nhìn cũ về thiết lập một trật tự Hồi giáo. Theo Sajjan Gohel, chuyên gia về châu Á tại Đại học kinh tế London, ngay cả khi Taliban thực hiện cam kết tạo dựng một chính phủ có tính đại diện cao ở Kaul, đó cũng chỉ là bước đi tạm thời, kết cục cuối cùng vẫn là những gì đã từng xảy ra trước đó.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (FT, Yahoo)
Tình hình Afghanistan: Mỹ nêu điều kiện để công nhận chính quyền của Taliban
Tình hình Afghanistan: Mỹ nêu điều kiện để công nhận chính quyền của Taliban

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 16/8 cho biết Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ và không tham gia những phong trào cực đoan như Al-Qaeda.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN