Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trước báo giới, ông Ned Price nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi đối với bất cứ chính quyền tương lai nào tại Afghanistan sẽ phụ thuộc vào những hành động của chính quyền đó, mà cụ thể là những hành động của Taliban”.
Ông Price nói: “Một Chính quyền Afghanistan tương lai phải bảo vệ những quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả quyền của phụ nữ, cũng như không chứa chấp những phần tử khủng bố”. Ông cũng lưu ý rằng đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad đã có mặt tại cơ quan ngoại giao của Taliban tại Qatar và các quan chức Mỹ đã thảo luận với Taliban.
Ngày 15/8, Taliban đã dễ dàng giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul, lật đổ chính phủ nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong gần 2 thập kỷ qua. Taliban đã áp đặt những quy định hà khắc đối với phụ nữ khi lực lượng này cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996-2001, bao gồm việc ngăn cấm được học hành.
Trong phản ứng của mình, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp để ngăn chặn nguy cơ Afghanistan bị sử dụng làm căn cứ cho các nhóm khủng bố. Bình luận trên mạng xã hội Twitter, ông Raab cũng cho rằng cần một cách tiếp cận rộng rãi hơn nhằm giải quyết những khó khăn của người dân Afghanistan.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Dmitry Zhirnov nhận định cách tiếp cận của Taliban đối với tình hình ở Afghanistan có thể xem là "tích cực". Ông Zhirnov lưu ý rằng khi tiến vào Kabul, Taliban đã áp đặt lệnh giới nghiêm và kêu gọi người dân bình tĩnh để tránh cướp bóc và bạo lực. Nhà ngoại giao Nga cũng gọi cách tiếp cận của Taliban là “thực tế”. Đại sứ Nga hi vọng có thể tìm được sự hiểu biết lẫn nhau với các đại diện Taliban tại cuộc gặp diễn ra ngày 17/8. Dự kiến, cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề an ninh của cơ quan đại diện ngoại giao Nga tại Kabul.
Trong một diễn biến khác, Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ ý định giúp Afghanistan bảo vệ và vận hành sân bay Kabul sau khi liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, nước hiện đang có 600 binh sĩ đồn trú tại Afghanistan, đã đề xuất lưu quân tại Kabul để bảo vệ và vận hành sân bay trên và đã thảo luận các chi tiết về việc này với Washington và Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Kế hoạch này buộc phải hủy bỏ sau khi ông Ghani rời đất nước và Taliban giành quyền kiểm soát 90% lãnh thổ. Taliban cũng đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên tiếp tục cho binh sĩ đồn trú tại Afghanistan để điều hành sân bay, lời cảnh báo mà Ankara đã bác bỏ trước khi Taliban tiến vào thủ đô.
Tuy nhiên, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Nếu Taliban đề nghị hỗ trợ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cung cấp các hỗ trợ an ninh và kỹ thuật tại sân bay".
Đường băng tại sân bay Kabul đã được mở trở lại vào rạng sáng 17/8 (theo giờ địa phương). Trước đó, các lực lượng Mỹ phải cho đóng cửa trong vài giờ để khắc phục tình trạng mất an ninh đã gây gián đoạn cho các chuyến bay sơ tán khi hàng nghìn người dân Aghanistan đổ xô vào đường băng, cố lao lên các máy bay để rời khỏi đất nước sau khi Taliban tiến vào thủ đô.