Tình hình Afghanistan: Hầu hết quan chức cấp cao chính quyền cũ đã ra nước ngoài

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn hãng tin Pazhwok của Afghanistan ngày 16/8 cho biết hầu hết các quan chức cấp cao chính quyền cũ và nhiều chính trị gia Afghanistan đã rời khỏi nước này sau khi Tổng thống Ashraf Ghani chạy khỏi Kabul và Taliban tiến tới ngoại ô thành phố này.

Một bộ phận của giới tinh hoa vẫn lưu lại Afghanistan để tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị mới, lấp đầy khoảng trống quyền lực và chuyển giao nó một cách hòa bình.  

Chú thích ảnh
Sân bay quốc tế Hamid Kazai ở thủ đô Kabul (Afghanistan). Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo hãng tin trên, ông Ashraf Ghani cùng Cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib và cựu Chánh văn phòng Tổng thống Fazl Mahmoud Fazli đã đáp máy bay tới Tajikistan và tiếp đó là tới Oman.

Trước đó, các nhân vật chính trị nổi tiếng như Abdul-Rashid Dostum và Atta Mohammad Nur, những người từng tuyên chiến với Taliban ở tỉnh Balkh, đã bỏ chạy đến Tajikistan sau khi Taliban chiếm thành phố Mazar-i-Sharif, thành phố chính ở miền Bắc nước này. Cựu Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan, Serur Ahmad Durrani, đã lên đường đến Mỹ, và cố vấn pháp lý chính cho tổng thống, ông Kabir Issa Khel đến Anh. Bộ trưởng Quốc phòng cuối cùng, Bismillah Mohammadi, chạy đến Dubai, và người đứng đầu lực lượng dân quân tỉnh Herat, Mohammad Ismail Khan đến Iran.

Một phái đoàn lớn các chính trị gia Afghanistan do Chủ tịch Viện Nhân dân (Hạ viện) Mir Rahman Rahmani dẫn đầu đã thực hiện chuyến thăm Pakistan để thảo luận với lãnh đạo nước này về các vấn đề đảm bảo hòa bình và ổn định ở Afghanistan. 3 chính trị gia có ảnh hưởng, gồm cựu Tổng thống Hamid Karzai, Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Tối cao Abdullah Abdullah và lãnh đạo Đảng Hồi giáo Afghanistan, Gulbeddin Hekmatyar - đã thành lập Hội đồng Điều phối để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho Taliban.

Cùng ngày, trong cuộc gọi từ Washington, cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Ali Ahmad Jalali khẳng định ông chưa bao giờ được xem xét cho vị trí Tổng thống chính phủ chuyển tiếp tại nước này và nói thêm rằng bản thân ông cũng sẽ không chấp nhận cương vị đó. Trước đó một ngày, các nguồn tin ngoại giao cho rằng ông Ali Ahmad Jalali nhiều khả năng được đề cử đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Afghanistan sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul.

Ông Ali Ahmad Jalali, từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan sau cuộc xâm lược của Mỹ và liên quân năm 2001, đang là giáo sư tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington. Ông Ali Ahmad Jalali lưu ý rằng ông sẽ bị cấm đảm nhiệm cương vị Tổng thống Afghanistan vì hiến pháp quy định vị trí này phải là công dân Afghanistan, trong khi bản thân ông hiện có cả quốc tịch Mỹ.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, hai nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nước này đã từ bỏ các kế hoạch kiểm soát sân bay Kabul sau khi Mỹ và liên quân NATO rút lui, nhưng Ankara sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và an ninh nếu Taliban đề nghị. Một nguồn tin nêu rõ, trên cơ sở xem xét “tình cảnh vô cùng hỗn loạn” tại sân bay Kabul, “quá trình binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản kiểm soát…đã tự động được hủy bỏ”.

Duy Trinh - Đỗ Tuấn Anh (TTXVN)
Tình hình Afghanistan: HĐBA LHQ kêu gọi đàm phán thành lập chính phủ mới
Tình hình Afghanistan: HĐBA LHQ kêu gọi đàm phán thành lập chính phủ mới

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 16/8 kêu gọi thông qua đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, bao hàm và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN