Cộng đồng quốc tế phản ứng trái chiều sau khi Taliban giành chính quyền tại Afghanistan

Ngày 15/8, Taliban tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc. Sau khi lực lượng Hồi giáo này giành chính quyền, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng trái chiều.

Chú thích ảnh
Lực lượng Taliban tại thủ phủ Mehtarlam, tỉnh Laghman, Afghanistan ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ, quốc gia phát động và dẫn đầu cuộc chiến tranh tại Afghanistan suốt 20 năm qua, là nước lên tiếng đầu tiên. Sau khi Taliban kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và Tổng thống nước này chạy ra nước ngoài, Bộ Ngoại giao Mỹ đã sơ tán hết nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán ở thủ đô Kabul ra Sân bay quốc tế Hamid Karzai. Nhà Trắng cũng đã quyết định triển khai 6.000 binh sĩ để hỗ trợ việc sơ tán công dân Mỹ khỏi nước này.

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bảo vệ quyết định rút các lực lượng ra khỏi Afghanistan khi khẳng định ông ủng hộ chính sách này và đã đến lúc để Mỹ thoát khỏi cuộc xung đột. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ".

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu về tình hình Afghanistan, được truyền hình trực tiếp từ Washington DC., ngày 16/8/2021. Ảnh:

Tổng thống Biden cho biết ông phải đưa ra lựa chọn là hoặc tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và lực lượng Taliban đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này.

Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả “nhanh chóng và mạnh mẽ” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ cho người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng cam kết lên tiếng bảo vệ các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, của phụ nữ và trẻ em gái dưới thời chính quyền mới ở Afghanistan.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) cùng đại diện Chính phủ Afghanistan và đại diện Taliban trước cuộc đàm phán về hoà bình của quốc gia Tây Nam Á, tại Moscow ngày 9/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga tuyên bố nước này hy vọng thiết lập quan hệ hữu nghị với ban lãnh đạo mới của Afghanistan. Ngày 15/8, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Giám đốc Vụ châu Á II Bộ Ngoại giao Nga, ông Zamir Kabulov cho biết ông dự kiến có các cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Taliban.

Quan chức ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Moskva và ban lãnh đạo mới của Afghanistan. Ông cũng đồng thời khẳng định Nga sẽ không vội vàng công nhận chế độ Taliban ở Afghanistan và cho biết Đại sứ quán Nga tại Kabul tiếp tục hoạt động bình thường. Theo Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Nga là một trong số các nước được Taliban đảm bảo rằng các phái bộ ngoại giao của họ không bị đe dọa.

Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Dmitry Zhirnov ngày 16/8 cho rằng cách tiếp cận của Taliban đối với tình hình ở Afghanistan có thể xem là "tích cực", hiện tình hình ở Kabul đã tốt hơn so với thời Tổng thống Ashraf Ghani. Ông Zhirnov lưu ý rằng khi tiến vào Kabul, Taliban đã áp đặt lệnh giới nghiêm và kêu gọi người dân bình tĩnh để tránh cướp bóc và bạo lực, và trong thời kỳ ông Ghani cầm quyền thường xuyên nghe thấy “những tiếng nổ mạnh” định kỳ hằng đêm trong thành phố. Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm tình hình tại Kabul đang “dần ổn định” sau khi Taliban kiểm soát chính quyền.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã có các cuộc điện đàm để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Ngoaị trưởng Trung Quốc Vương Nghị về tình hình Afghanistan.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (veston tối màu đứng giữa) tiếp phái đoàn các nhân vật chính trị của Taliban tại Thiên Tân hồi cuối tháng 7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc ngày 16/8 tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng phát triển "quan hệ hữu nghị" với Taliban, sau khi lực lượng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn này giành quyền kiểm soát Afghanistan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan và hy vọng quá trình chuyển tiếp tại quốc gia Trung Nam Á này diễn ra suôn sẻ. Trước diễn biến này, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố tình hình tại Afghanistan đã có những chuyển biến lớn và Trung Quốc tôn trọng mong muốn và lựa chọn của người dân Afghanistan.

Chú thích ảnh
Cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về tình hình Afghanistan tại New York, Mỹ, ngày 16/8/2021. Ảnh:THX/TTXVN

Ngày 16/8 (theo giờ New York), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã có cuộc họp khẩn cấp về tình hình Afghanistan. HĐBA kêu gọi đối thoại để thành lập một chính phủ mới tại Afghanistan “thống nhất, toàn diện và đại diện cao, trong đó có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và ý nghĩa của phụ nữ”. HĐBA LHQ cũng hối thúc chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi tất cả các bên đảm bảo cho phép tiếp cận hỗ trợ nhân đạo khẩn trương, an toàn và không bị cản trở.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới hợp tác “ngăn chặn mối đe dọa khủng bố toàn cầu tại Afghanistan” và đảm bảo rằng các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng. Về sự hiện diện của LHQ ở Afghanistan, TTK Guterres cho hay điều này sẽ được triển khai phù hợp với tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á. Nhưng trên tất cả, ông cho rằng lực lượng LHQ sẽ lưu lại đây và hỗ trợ người dân Afghanistan trong thời điểm họ gặp khó khăn.

Chú thích ảnh
Lực lượng vũ trang Afghanistan rời khỏi Kabul sau khi Taliban tuyên bố nắm quyền kiểm soát Afghanistan, ngày 15/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ấn Độ, trong phản ứng đầu tiên sau khi Taliban tiếp quản Kabul, ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi sẽ "sát cánh" với các đối tác Afghanistan, thực hiện tất cả các bước vì sự an toàn của người Ấn Độ và lợi ích của Ấn Độ ở Afghanistan. Taliban giành chính quyền tại Afghanistan, lãnh đạo các cơ quan trọng yếu của Ấn Độ như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan tình báo đã tiến hành hàng loạt cuộc họp để xem xét những diễn biến nhanh chóng ở Afghanistan và những tác động có thể xảy ra đối với New Delhi cũng như khu vực.

Ấn Độ hiện là một trong những nhà đầu tư chính tại Afghanistan, với nguồn vốn lên tới trên 3 tỷ USD để thực hiện gần 500 dự án trên khắp đất nước này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc họp báo tại London. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại London, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/8 kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận một cách song phương Taliban là chính phủ của Afghanistan. Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Johnson nêu rõ: “Chúng tôi không muốn bất cứ quốc gia nào công nhận một cách song phương đối với Taliban”, đồng thời hối thúc phương Tây hợp tác giải quyết vấn đề Afghanistan thông qua các cơ chế như Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định các lực lượng Anh và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không trở lại Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Trả lời Sky News, ông nêu rõ mục tiêu là đưa khoảng 1.200 tới 1.500 người rời khỏi Afghanistan mỗi ngày căn cứ vào khả năng vận chuyển của máy bay Anh và nước này sẽ duy trì số lượng này. Hiện toàn bộ nhân viên Đại sứ quán  Anh đã đến sân bay Kabul và sẽ tiếp tục làm việc tại đây. Bộ trưởng Wallace cũng nhấn mạnh hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để quyết định có công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp tại Afghanistan hay không.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Ngoại trưởng nước này Heiko Maas ngày 16/8 thừa nhận đã đánh giá sai về tình hình ở Afghanistan khi lực lượng Taliban tiến quân quá nhanh và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Merkel thừa nhận rằng Chính phủ Đức đã đánh giá sai tình hình ở Afghanistan và vấn đề quan trọng giờ đây là nhanh chóng sơ tán công dân Đức tới nơi an toàn. Theo nhà lãnh đạo Đức, tình hình thực sự kinh khủng với người dân ở Afghanistan, và cũng rất đau đớn với Đức và những đồng minh khác khi mọi nỗ lực trong những năm qua có nguy cơ tiêu tan. Bà Merkel nhấn mạnh Berlin sẽ làm mọi thứ có thể để đưa công dân nước này tới nơi an toàn.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian ra tuyên bố cho biết Đại sứ quán Pháp tại Afghanistan đang được chuyển tới gần sân bay Kabul, cơ quan này sẽ duy trì hoạt động để phục vụ công tác sơ tán tất cả các công dân Pháp có thể vẫn đang bị mắc kẹt tại quốc gia Tây Nam Á. Ngoại trưởng Le Drian nêu rõ: “Theo lệnh của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Bộ Quốc phòng trong những giờ tới sẽ triển khai quân tăng viện và lực lượng không quân tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), để những đợt sơ tán đầu tiên tới Abu Dhabi có thể được bắt đầu”.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết "EU đánh giá tình hình rất khẩn cấp và nghiêm trọng, đồng thời tiếp tục làm việc với các nước thành viên EU để tìm ra các giải pháp nhanh chóng cho các nhân viên người Afghanistan và sự an toàn của họ". EU sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các quốc gia thành viên nhằm tối đa hóa khả năng đưa nhân viên bản địa và những người trong gia đình họ đến một nơi an toàn.

Phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nói: "Chúng tôi hiểu rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành về một hệ thống chuyển giao chính quyền và chúng tôi sẽ phản ứng theo kết quả của cuộc chyển giao".

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại một cuộc họp báo ở Wellington. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 16/8 đã kêu gọi các thủ lĩnh Taliban duy trì quyền con người tại Afghanistan, theo đó cho phép nữ giới được tới trường học và tới công sở làm việc, cũng như tạo điều kiện cho các công dân quốc tế và người dân Afghanistan được rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này theo nguyện vọng.

Trong một cuộc họp báo ở thủ đô Wellington, Thủ tướng Ardern đã dùng từ "khẩn nài" đối với các thủ lĩnh Taliban, kêu gọi họ đồng thuận với "những gì cộng đồng quốc tế đang kêu gọi, đó là quyền con người và sự an toàn của người dân". Bà Ardern nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi mong muốn nhìn thấy là phụ nữ và trẻ em gái có thể tiếp cận việc làm và giáo dục. Đó là những điều vốn không phải là truyền thống dưới sự nắm quyền của lực lượng Taliban".

Chú thích ảnh
Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/8, hơn 65 quốc gia trên thế giới đã ra một tuyên bố chung, trong đó nêu rõ người dân Afghanistan và các công dân nước ngoài cần được tạo điều kiện để rời khỏi Afghanistan theo nguyện vọng, đồng thời các sân bay và đường biên giới của Afghanistan cần luôn được mở cửa.

Tuyên bố chung có sự tham gia của chính phủ các nước như Mỹ, Australia, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Vương quốc Anh, Chile, Colombia, Costa Rica, CH, Đan Mạch, CH Dominicana, El Salvador, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ukraine, Yemen.... cùng Liên minh châu Âu (EU).

Chú thích ảnh
Đám đông người sơ tán cố lao lên các máy bay, gây ra cảnh hỗn loạn tại sân bay quốc tế ở Kabul ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Canada thông báo tạm ngừng hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao nước này tại Kabul và các nhân viên ngoại giao đang trên đường quay về nước trong bối cảnh tình hình chuyển biến nhanh chóng, đặt ra những nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn của họ. Đại sứ quán Đức tại Kabul cũng thông báo đóng cửa, toàn bộ nhân viên được sơ tán đến khu vực quân sự trong sân bay Kabul. Cùng lúc, giới chức Đức cũng đẩy nhanh tiến độ sơ tán công dân của mình khỏi Afghanistan.

Trước những diễn biến tại Afghanistan, Estonia và Na Uy đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình tại quốc gia Tây Nam Á này “càng sớm càng tốt”. Quốc hội Anh cũng thông báo sẽ quay lại họp khẩn vào ngày 18/8 về tình hình Afghanistan.

Chú thích ảnh
Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước láng giềng của Afghanistan cũng bày tỏ quan ngại trước những biến động lớn tại Afghanistan, đồng thời gia tăng giám sát khu vực biên giới nhằm ngăn ngừa nguy cơ bạo lực lan sang cũng như sự bùng phát làn sóng di cư của những người Afghanistan.

Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japaro ngày 16/8 đã ra lệnh tăng cường các nỗ lực siết chặt an ninh, phối hợp với các nước láng giềng và chỉ đạo Bộ Ngoại giao nước này đảm bảo sơ tán nhanh chóng các công dân Kyrgyzstan khỏi Afghanistan.

Trong khi đó, Uzbekistan đang giám sát chặt chẽ tình hình sau khi phát hiện một vụ rơi máy bay của quân đội Afghanistan ở tỉnh biên giới Surxondaryo hôm 15/8. Truyền thông địa phương cho biết có 2 quân nhân Afghanistan trên máy bay và đã được đưa đến bệnh viện. Trước đó, nhà chức trách Uzbekistan đã bắt giữ 84 binh sĩ Afghanistan vượt biên sang nước này và đề nghị được hỗ trợ y tế.

Từ Iran, Tổng thống Ebrahim Raisi ngày 16/8 nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan mở ra triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài tại quốc gia Tây Nam Á này. Trong tuyên bố, nhà lãnh đạo Iran khẳng định đây sẽ là cơ hội để khôi phục cuộc sống, an ninh và hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Chính phủ Iran cũng thông báo thông báo đã chuẩn bị chỗ ở tại 3 tỉnh biên giới giáp ranh với Afghanistan để đón người tị nạn nước này chạy trốn khỏi thủ đô Kabul.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban sau khi chiếm giữ thành phố Ghazni, miền Đông Afghanistan, ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh tình hình Afghanistan ngày càng diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan đã theo dõi sát tình hình, khẩn trương rà soát, nắm tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây, xây dựng kế hoạch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Đại sứ quán đã chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân: đăng thông báo bảo hộ công dân lên website chính thức của Đại sứ quán, trao đổi với các đầu mối liên lạc tại Afghanistan đề nghị hỗ trợ tìm hiểu thông tin về tình hình công dân Việt Nam tại Afghanistan. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan. Trước đó, ngày 3/8/2021, Đại sứ quán đã phối hợp đưa một công dân Việt Nam làm việc cho cơ quan của Liên hợp quốc tại Afghanistan về nước an toàn.

Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ với đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan: + 92 0336 3336868 (Whatsapp) hoặc + 84 936 061996 (Zalo, Viber), số điện thoại cố định +92 51 2655785/87 hoặc tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao +84.981.84.84.84.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban bên trong Dinh Tổng thống ở Kabul, Afghanistan, sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN

Về phần mình, người phát ngôn của Văn phòng chính trị lực lượng Taliban, có trụ sở tại Doha (Qatar) - ông Muhammad Naeem ngày 15/8 khẳng định các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao và công dân nước ngoài ở thủ đô Kabul của Afghanistan không bị đe dọa, đồng thời cam kết rằng Taliban sẽ duy trì an ninh trên khắp đất nước.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức (TH, Sputnik, CNN, New York Times)
Những dấu mốc chính liên quan đến chiến dịch của Taliban những tháng gần đây
Những dấu mốc chính liên quan đến chiến dịch của Taliban những tháng gần đây

Sau hơn 3 tháng triển khai cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các lực lượng của Afghanistan, Taliban khẳng định cuộc chiến tại quốc gia Tây Nam Á này đã kết thúc. Dưới đây là những dấu mốc chính liên quan đến chiến dịch của Taliban những tháng gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN