Theo đài NPR, những nhân viên của Twitter đăng dòng trạng thái #LoveWhereYouWorked (“Yêu nơi đã từng làm việc”), thông báo ngày làm việc cuối cùng của họ tại Twitter.
Trước đó, vào ngày 4/11, sau khi tiếp quản Twitter, tỷ phú Musk đã sa thải một nửa trong tổng số 7.500 nhân viên chính thức của mạng xã hội này, thông báo cắt giảm hàng nghìn nhân viên của các bên nhà thầu thứ 3 và thậm chí sa thải một vài nhân viên tỏ ý chống đối, chỉ trích công khai ông chủ mới.
Ngày 16/11, trong một bức thư gửi cho nhân viên, ông Musk tiếp tục khẳng định Twitter cần một sự nỗ lực tuyệt đối để thành công. Những ai lựa chọn ở lại đồng hành cùng Twitter sẽ có thể phải làm việc trong nhiều giờ đồng hồ với cường độ cao. Những ai cảm thấy không chịu được có thể nghỉ việc và nhận 3 tháng tiền lương. Các nhân viên được yêu cầu phải đưa ra lựa chọn trước hạn chót chiều 17/11.
Làn sóng nghỉ việc mới đã làm gia tăng lo ngại rằng Twitter đang mất đi những người có chuyên môn quan trọng về mọi lĩnh vực, từ vận hành website, máy chủ đến công tác đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng và cách xử lý nội dung độc hại, bất hợp pháp.
Ngày 17/11, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã gửi thư ngỏ tới Ủy ban Thương mại Liên bang thúc giục điều tra Twitter. Các thượng nghị sĩ đã viết rằng ông Musk đã thực hiện các bước đáng báo động làm suy yếu tính toàn vẹn và an toàn của nền tảng này.
Khi nghe tin ông chủ mới sa thải một nửa nhân viên vài ngày trước khi diễn ra bầu cử giữa kỳ Mỹ, Melissa Ingle – một chuyên gia dữ liệu của Twitter – lo ngại về vị trí của mình. Cô không phải là nhân viên chính thức mà chỉ là nhân viên của bên nhà thầu thứ 3.
“Ông chủ của tôi bị sa thải, và ông chủ của ông chủ cũng nghỉ việc. Tôi không biết ai mới là người thuê mình và nhiệm vụ mới là gì”, Melissa chia sẻ.
Trong khi diễn ra bầu cử giữa kỳ, đội của Melissa đã làm việc ngày đêm để đánh dấu những nội dung vi phạm trên Twitter. Cô nghĩ mình đã làm tốt song đến cuối tuần trước, cô phát hiện mình bị sa thải khi không thể đăng nhập vào hệ thống của công ty.
Melissa cùng những cựu nhân viên khác đã cảnh báo thay đổi trong cách điều hành của tỷ phú Musk có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng xử lý nội dung độc hại và đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của nền tảng này.
Tương tự như những nền tảng xã hội khác, Twitter phụ thuộc rất lớn vào những nhân viên như Melissa. Họ là những nhân viên đưa ra chính sách và phát triển các hệ thống tự động để phân tích 3,75 triệu nội dung đăng tải mỗi giờ. Quan trọng hơn, họ là những người xem và đánh giá nội dung liên tục. Hầu hết những người này làm việc với Twitter thông qua nhà thầu thứ 3.
Việc cắt giảm nhân viên kiểm duyệt nội dung có thể khiến tỷ phú Musk gặp rắc rối với các nhà làm luật châu Âu. Cụ thể, luật của Đức yêu cầu các mạng xã hội phải nhanh chóng xóa nội dung bất hợp pháp nếu không sẽ bị phạt.
Bên cạnh đó, các cựu nhân viên như Melissa cũng lo ngại việc cắt giảm nhân viên sẽ gây ảnh hưởng trên toàn thế giới trong bối cảnh các sự kiện lớn như World Cup hay bầu cử tại các nước diễn ra.